Chương 25: Trên bước đường cùng

Lễ Các thánh (1-11) là một trong những lễ quan trọng của Giáo hội Thiên Chúa giáo. Đối với Tổng thống Diệm ngày lễ này mang rất nhiều ý nghĩa và khi còn sinh thời, bao giờ ông cũng sửa soạn mấy ngày từ trước khi xưng tội, cầm lòng… và làm một vài việc có ý nghĩa nhất để gọi là là bó hoa thiêng liêng dâng lên Thượng đế.

Lễ Các thánh đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo mộ đạo là một dịp sống đạo và cầu nguyện cho trở nên Thánh và mỗi ngày sống cho thánh thiện. Lễ này được lập lên để kính các vị Thánh vô danh của giáo hội. mình. Chính vì sự lạc quan và chủ quan của hai anh em Tổng thống Diệm cho nên những nhân vật thân cận nhất cũng mắc bệnh lạc quan và chủ quan như vậy. Do đó, 10giờ sáng 1-11, Đại tá Lê Quang Tung (Tư lệnh đặc biệt) cũng như Trung tá Khôi (Tư lệnh lữ đoàn liên binh phòng vệ phủ Tổng thống) đã vào Bộ Tổng Tham mưu như thường lệ. Tất nhiên là trong dầu óc họ không có một chút hoài nghi nào và cũng vì thế nên không cần báo cáo lên thượng cấp. Các tướng tá hội họp hàng tuần như vậy vẫn là một thông lệ.

Tổng nha Cảnh sát quốc gia (Đại tá Nguyễn Văn Y) Trung ương tình báo và Sở Nghiên cứu chính trị (do Trung tá Đường thay thế bác sĩ Trần Kim Tuyến)… tất cả mấy cơ quan trên tuy hoạt động ngày đêm song về chuyện đảo chính vẫn không thấy động tĩnh gì cả. Và chỉ là việc đang theo dõi, tìm kiếm, khám phá.

Tóm lại, buổi sáng ngày 1-11, ông cố vấn Nhu không nhận được tin tức nào về đảo chính ngoài việc khám phá âm mưu của Đại tá Có. Ông vẫn chủ quan tin vào lực lượng phản đảo chính cua ông.

Nếu cuộc đảo chính xảy ra ông sẽ trao cho Thanh niên Cộng hoà phận sự giữ gìn an ninh trật tự tại Đô thành, tạm thời thay thế cảnh sát (vì kinh nghiệm vụ đảo chính hụt năm 60 Đô thành coi như bỏ ngỏ, cảnh sát thì tự động biến mất). Về quân sự thì quân đoàn III đã có tướng Tôn Thất Đính…

Về hải quân, ông Nhu rất tin tưởng nơi Đại tá Hồ Tấn Quyền… ông Nhu vẫn tin tưởng với tất cả sự lạc quan vào lực lượng của chính quyền có thể đương đầu với bất cứ một cuộc đảo chính nào. Từ khoảng tháng 8-1963 đã có nhiều nguồn tin theo đó ông Cố vấn Nhu sẽ đảo chính để lật đổ bào huynh và chính ông sẽ nắm quyền lãnh đạo. Nguồn tin này có lẽ được thêu dệt quá lời tuyên bố của ông Nhu trước hội nghị các đại biểu ấp chiến lược ông Nhu nói rằng, nếu chính quyền bất lực thì không còn phục vụ được nhân dân và Tổ quốc thì chính ông là người đầu tiên đứng lên đảo chính chứ không cần phải chờ đợi ai đảo chính. Lời tuyên bố này nhằm cảnh cáo một số quan chức tắc trách và đồng thời cảnh cáo trước mọi âm mưu phiến loạn. Sự việc chỉ có thế.

CHẾT VÌ CHỦ QUAN HAY CHẾT VÌ PHẢN BỘI?

Các nhân vật thân cận cho hay, vào cuối tháng 10, chính quyền lại có vẻ vững vàng hơn bất cứ lúc nào. Điều làm cho chính quyền lo ngại nhất là các đơn vị lữ đoàn nhảy dù. Sau cuộc đảo chính hụt ngày 11-11-1960, chính quyền mới nhận chân được khả năng sung yếu của các đơn vị mũ đỏ.

Tuy nhiên sau ngày 11-11-1960, lữ đoàn này đã được trao cho một sĩ quan thân tín tức Đại tá Cao Văn Viên ngoài một số đơn vị trưởng ở cấp tiểu đoàn và trung đoàn đã được Sở Nghiên cứu móc nối và được coi như người trong nhà.

Từ tháng 5-1963 ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã tiên liệu trước sau rồi thế nào cũng có đảo chính, nhưng ông vẫn yên trí có thể dập tắt được ngay vì những tướng tá âm mưu đảo chính đều không có quân trong tay kể cả Trung tướng Trần Văn Đôn, quyền Tổng Tham mưu trưởng cũng sẽ không thể làm gì được hơn vì trên thực tế, ông Đôn vẫn là tướng không có quân.

Vì chủ quan quá mức như vậy nên ông Cố vấn Nhu vẫn bình thản trầm ngâm với điếu thuốc lá Job, trong cùng thời khắc đó tướng lãnh đang quyết định lật đổ chế độ… 12 giờ trưa, Tổng thống Diệm theo thông lệ vẫn lần tràng hạt và đọc kinh trước khi dùng bữa. Cũng thời khắc đó, trên xa lộ Thủ Đức, Đại tá Hồ Tấn Quyền đã bị bắn chết. Cái chết của Đại tá Quyền cũng bất ngờ và tức tưởi như cái chết của hai anh em Tổng thống Diệm.

Ông Cố vấn Nhu đã nắm vững được những yếu tố nào để có thể an tâm và chủ quan như vậy? Kể từ khi Mỹ ngưng viện trợ và tìm mọi áp lực để Tổng thống Diệm phải khuất phục theo đường lối của họ, ông Cố vấn đã tìm được Đồng minh khác khả dĩ có thể hỗ trợ chế độ trong nhất thời và cũng là cách tạo nên một thế tựa để làm điều kiện với Mỹ.

Trong 9 năm cầm quyền anh em Tổng thống Diệm chua xót nghĩ về viện trợ Mỹ và hiểu thế nào là Đồng minh theo cách nhìn của Mỹ.

Đồng minh của anh em Tổng thống Diệm không ai khác hơn là Pháp. Kể từ năm 1945, chưa bao giờ mối bang giao Việt Pháp tạo được điều kiện thân hữu tốt đẹp như năm 1963.

Lúc bấy giờ về phía nội bộ, vụ Phật giáo được coi như đã tạm yên. Phe đối lập gồm một số tướng lãnh mà ông Nhu tin rằng họ sẽ không làm gì được trừ phi Mỹ quyết tâm. Song sự quyết tâm của Mỹ cũng chỉ có thể trong vòng bí mật. Tất nhiên Mỹ không thể công khai hỗ trợ bất cứ một phe nhóm nào dùng võ lực để lật đổ chính quyền hợp pháp. Vì còn dư luận quốc tế, Anh, Pháp. Ông Nhu vẫn tỏ ra coi thường thế lực của phe đang âm mưu đảo chính. Theo ông điều giản dị là họ không có quân, không có uy tín trong quần chúng. Một số tướng tá đang nắm thực quyền chỉ huy tại các nha sở và đơn vị thì đều là người tin dùng của chế độ… Sự tin tưởng của ông Nhu cũng có lý vì giả thử rằng, nếu Đại tá Đỗ Mậu (Giám đốc Nha An ninh quân đội) cũng như tướng Đính không theo phe đảo chính thì đảo chính cũng khó lòng thành công.

Tuy nhiên, cái lỗi lầm nhất của ông Nhu vẫn là bệnh chủ quan và đã đặt quá nhiều tin tưởng vào một số nhân sự mà ông cũng như Tổng thống Diệm cho đến giờ phút cuối cùng vẫn không thể ngờ rằng, họ đã phản mình. Sự thật là hầu hết các tướng lãnh đều là đảng viên Đảng Cần lao, như Chủ tịch Quân uỷ Cần lao vốn là tướng Lễ (nhiệm kỳ I) tướng Chiểu (nhiệm kỳ II) cho đến ngày 1-11-1963 các tướng Đôn, Nghiêm, Oai, Khánh, Cao… Các Đại tá Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Chuẩn, Lâm Văn Phát. Các Trung tá Đỗ Khắc Mai, Nguyễn Văn Thiệu… đều là đảng viên cao cấp của Đảng Cần lao.

Một số tướng tá thân tín của chế độ cũng chủ quan tin tưởng như ông Diệm ông Nhu cho nên trước nguồn tin sẽ có đảo chính, Đại tá Hồ Tấn Quyền vẫn tuyên bố với mấy sĩ quan thân tín của ông “Nhảy dù là mình phải nắm vững, hải quân là do nơi tôi. Chỉ cần huy động hai tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến là có thể dẹp tan được đảo chính”.

Trước sau có thể nói chính quyền vừa quá chủ quan và khả năng tình báo lại quá yếu, nên đảo chính bùng nổ như ông Nhu đã tiên liệu mà không có phương sách đối phó.

TRONG DINH

Khi từng loạt súng nổ ran ở phía Tổng nha Cảnh sát và được báo cáo cho biết có một số binh sĩ thuỷ quân lục chiến đang tiến vào thành phố, cho đến lúc này ông Nhu vẫn bình tâm và ông Vỹ được gọi vào dinh. Kể từ 1 giờ 30 trong dinh Gia Long Bộ Tham mưu cao cấp không còn ai khác hơn là hai anh em Tổng thống Diệm và ông Cao Xuân Vỹ.

Tại sao chỉ có bằng ấy người? Thực ra khi có binh biến như vậy anh em Tổng thống Diệm hay ở địa vị ai cũng chỉ còn trông cậy vào quân đội. Phía dân sự nếu có nhiều người thì chỉ làm bận chân.

Dinh Gia Long gọi diện thoại lên Bộ Tổng Tham mưu thì không một ai trả lời (đường dây đã bị cắt) khi gọi điện thoại cho Biệt khu Thủ đô, quân đoàn III thì hai nơi này cũng bặt tin. Khi quay sang Bộ Tư lệnh hải quân gọi Đại tá Quyền thì cũng không có tiếng chuông reo. Tuy nhiên dinh Gia Long cũng vẫn còn liên lạc được với một số cơ quan dân sự đầu não như Tổng Nha Cảnh sát quốc gia, Thanh niên Cộng hoà, Trung ương tình báo, Bộ Công dân vụ. Việc đầu tiên là Tỏng thống Diệm gọi điện thoại cho Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và một số Bộ trưởng để chỉ thị cho họ một số điều cần thiết như tạm thời ẩn náu giừ vững tinh thần.

Vị Bộ trưởng trốn lẹ nhất không ai khác hơn là ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng kiêm nhiệm Bộ phủ Tổng thống. Cho đến chiều dinh Gia Long vẫn còn bắt liên lạc được với một số tỉnh tại Cao nguyên và Trung nguyên Trung phần cũng như Bộ Tư lệnh quân đoàn I và quân đoàn II. Nhưng không sao bắt liên lạc được với quân đoàn IV của tướng Huỳnh Văn Cao. Kể từ 1 giờ 30 đến khi hai anh em ông Diệm ra khỏi dinh Gia Long Bộ Tham mưu, quân đoàn I và quân đoàn II là hai đơn vị mà Tổng thống Diệm vẫn liên lạc được cho đến phút chót và tướng Nguyễn Khánh cũng là tướng lãnh duy nhất qua đường dây liên lạc vẫn tỏ bày lòng cương quyết trung thành với Tổng thống Diệm. Ông Khánh cho biết quân đoàn II sẽ tiếp cứu dinh Gia Long, tướng Khánh còn lưu ý với Bộ Tham mưu dinh Gia Long: “Các toa phải ráng giũ, đứng có nghe lời tụi nó. Không tin mấy thằng đó được, quân đoàn II sẵn sàng phản công phe đảo chính”.

ĐƯỜNG DÂY ĐÃ ĐỨT

Sau vụ đảo chính hụt 11-11-1960, Sở Nghiên cứu Chính trị đã áp dụng một kế hoạch chống đảo chính rất hữu hiệu. Nhờ kế hoạch này, một số đơn vị nòng cốt trong lừ đoàn nhảy dù, thuỷ quân lục chiến, thiết giáp, đều được Sở Nghiên cứu “Chinh phục và tìm bạn” trong hàng sĩ quan mà hầu hết là cấp tiểu đoàn trưởng.

Tháng 9-1963 bác sĩ Trần Kim Tuyến được lệnh cấp tốc lên đường nhận nhiệm vụ mới và Trung tá Đương chính thức thay thế (Trung tá Đương còn là Chánh văn phòng của ông Nhu).

Tuy đã bàn giao công việc, song công việc của Sở Nghiên cứu không đơn giản như các sở khác, giấy tờ hành chính chỉ là phần phụ.

Còn bao nhiêu vấn đề nhiêu khê rắc rối mà phải là người chủ động mới có thể nắm vững. Do đó, người thay thế dù là cận thân ông Cố vấn Nhu cũng không thể nắm vững “đường dây” được móc nối tại các đơn vị chủ lực. Đó cũng là một khuyết điểm lớn đã làm cho chế độ ông Diệm trở tay không kịp khi bị lâm nguy. Thông thường con người có một nhược điểm lớn là bao giờ cũng đặt vấn đề tình cảm cá nhân như một căn bản cho lòng tin tưởng và tinh thần phục vụ. Cho nên với cá nhân ông này thì thuộc cấp hết lòng phục vụ nhưng cá nhân ông kia lại thờ ơ, bất hợp tác.

Kế hoạch “nuôi ba năm dùng một giờ” đã trở thành vô hiệu quả. Nhiều đơn vị khi nhận được lệnh chuyển quân hướng về Sài Gòn đã không biết cấp báo cho ai. Đây là vấn đề quan hệ đến sinh mạng nên không thể cấp báo cho bất kỳ ai mà họ chưa có lòng tin cậy, sự tin cậy đặt trên tình nghĩa và thân hữu. Sau vụ 11-11-1960, Sở Nghiên cứu chính trị cạnh Tổng thống Diệm đã cố len lỏi vào các đơn vị và tìm bạn. Công tác tìm bạn coi như được hoàn tất vào năm cuối 1962. Những người bạn này không cần nhận một công tác nào cả cũng không được hưởng một quyền lợi nào cả. Duy chỉ có điều họ sẽ được bảo vệ nếu gặp sự bất công ngược đãi của cấp trên hoặc tuỳ trường hợp sẽ được giúp đỡ theo nhu cầu và ước muốn của mỗi cá nhân.

Tuy vậy, họ luôn luôn được căn dặn một diều, nếu khi nào có lệnh chuyển hướng quân về Sài Gòn, hoặc có điều khả nghi trong động binh thì phải cấp báo ngay cho người có trách nhiệm của Sở Nghiên cứu, và cấp báo trực tiếp, đưa tin đến nhà hoặc điện thoại theo các đường dây riêng. Theo Lương Khải Minh, không những “tìm bạn” như thế này tại các đơn vị cấp tiểu đoàn và trung đoàn, Sở Nghiên cứu còn tìm bạn trong các cơ quan đầu não của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu, thường thường là sĩ quan cấp uý thuộc ngành truyền tin, quân vận, phòng II, phòng III…

Từ tháng 10-1963 các “đường dây” được thiết lập theo hệ thống “bạn” kể trên nếu không nói là tan rã thì cũng không được kết hợp và phối trí do một người duy nhất điều động. Trong khi đó, ông Nhu lại quá tin tưởng vào một số tướng tá chỉ huy các đơn vị, không hiểu sao ông Nhu lại quên hẳn bài học “Nguyễn Chánh Thi” trong vụ đảo chính 11-11-1960?

Ông vẫn dùng một số tướng tá thân tín để chống lại mọi âm mưu đảo chính. Song ông Nhu đã không ngờ được rằng, khi các tướng tá trên tạm thời liên hiệp với phe âm mưu đảo chính thì một sớm một chiều chế độ của ông trở thành chế độ tay trắng không có quân để bảo vệ (Ngoài lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng thống và một số quân của lực lượng đặc biệt đã bị phân tán). Thật là một sự tính sai hay đúng hơn là một rủi ro của chủ quan. Đây cũng có thể coi là sự nhầm lẫn do sự thiếu cảm nhận về tâm lý và thực trạng của nhân sự trong quân đội.