Chương 14: Thủ phạm mang tên Scot

Mãi sau này, năm 1966 trong cuộc hành quân ở Nam Đồng, Đại uý Scot (Cố vấn của tiểu đoàn 1/3 – từ năm 1965 ) mới cho biết về một sự thật.

Dạo ấy năm 1965, miền Trung đang bắt đầu sôi động và ngút ngàn trong ngọn lửa Phật giáo đấu tranh. Trong một buổi mạn đàm Đại uý Bửu nói chuyện trăng gió mây nước với Đại uý Scot rồi hai người “bắt” qua chuyện Phật giáo tranh đấu. Đại uý Scot, nói đại ý:

“Phật giáo miền Trung sẽ không thành công trong vụ này”.

Ông Bửu hỏi:

” Tại sao lại không thể thành công?”.

Đại uý Scot đáp: “Phật giáo không tạo được những yếu tố ñeå thành công như năm 1963″

Đại uý Bửu hỏi: “Đại uý muốn nói tới những yếu tố nào? ”

Đại uý Scot nói: “Những yếu tố không phải do Phật giáo có thể tạo được”.

Đại uý Bửu: “Đại uý muốn nói đến tiền bạc hay khí giới tinh thần “.

Đại uý Scot đáp: “Khí giới tinh thần thì Phật giáo có đấy chứ, nhưng không dễ gì thành công vì không được đồng minh ủng hộ”.

Đại uý Scot lại nói: “Hoa Kỳ đã giúp cho Phật giáo nhiều yếu tố để thành công trong vụ 1963“.

Đại uý Bửu nói: “Bây giờ Hoa kỳ sẽ không còn giúp đỡ Phật giáo nữa? “. Đại uý Scot: “Bây giờ thì tôi không biết, nhưng vụ 1963 tôi biết rõ”.

Đại uý Bửu lấy làm ngạc nhiên tại sao một Đại uý như Scot lại có thể am tường nội tình Phật giáo Việt Nam như vậy. Đại uý Bửu hỏi tiếp: “Năm 1963 Đại uý ở đâu?”. Scot không đáp thẳng vào câu hỏi và tựa hồ trong lòng ông còn ẩn giấu bao nhiêu điều bí mật. Sau đó Scot tâm sự: “Tôi hiểu rõ Phật giáo ở đây, có thể còn hơn cả các anh. Tháng 5-1963 tôi ở Đà Nẵng. Tôi trở ra Huế một ngày trước khi vụ nổ xảy ra tại Đài Phát thanh Huế”.

Đại uý Bửu hỏi ngay: “Như vậy thì Thiếu tá Đặng Sỹ Phó Nội an cho nổ?” Scot đáp: ‘ Làm gì có chuyện đó, tội nghiệp cho ông ta. Bây giờ ông ấy đang bị tù phải không? ” Đại uý Bửu: “Hiện Thiếu tá Sỹ đang bị cầm tù. Ông ấy bị kết tội đã đàn áp Phật giáo và làm chết 8 Phật tử tại Đài phát thanh”

Lời Scot: “Không ai nói thẳng sự thật để bênh vực ông ấy? ”

Đại uý Bửu hỏi: “Vậy anh có tin là Thiếu tá Sỹ là thủ phạm vụ nổ tại Đài Phát thanh không?”

Đại uý Scot nói: “Thiếu tá Sỹ cũng chỉ là một nạn nhân”.

Hỏi: “Theo Đại uý ai là thủ phạm trong vụ này?”.

Đại uý Scot lắc đầu, chuyện còn dài lắm. Tôi sẽ kể cho anh nghe.

Trả lời tiếng nổ thuộc về loại nào, Đại uý Scot nói: “Tại sao người ta lại tin đó là tiếng nổ của plastic Việt cộng và lựu đạn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa?

“CÚ SCOT“

Đại uý Bửu chính là em họ bên vợ của Thiếu tá Sỹ ông cố bám sát Scot và tìm lời dò hỏi xem đầu giây mối nhợ như thế nào. Lúc đầu Scot thổ lộ rằng chính người bạn của ông là một nhân viên CIA đã làm vụ đó. Scot mô tả chất nổ đó là một chất đặc biệt của Trung ương Tình báo Mỹ. Thể tích của nó không lớn hơn bao quẹt và có riêng bộ phận để điều khiển. Bộ phận này sẽ “căn giờ” chừng nào nổ.

Ít lâu sau, do nhiệt tâm tìm hiểu của Bửu, Đại uý Scot đã phanh phui tất cả sự thật, ông ta có lẽ vì “lương tâm ” xúc động cho nên tâm sự rằng, chính mình đặt thứ khí giới đặc biệt đó tại Đài Phát thanh.

Scot hay ai cũng chỉ là một thứ thừa hành. Ai ra chỉ thị? Washington hay Toà Đại sứ hay ông trùm CIA? Hay Đại tướng Richarson? Dưới thời Tổng thống Kennedy, tổ chức Việt Nam Task Force được coi như có thẩm quyền mạnh nhất trước các quyết định về Việt Nam do Hilsman cầm đầu. Ngay từ năm 1962, Hilsman đã chủ trương lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và người Mỹ phải có thái độ tích cực hơn đối với các vấn đề Việt Nam, có nghĩa là Mỹ phải trực tiếp can dự vào cuộc chiến, Mỹ phải nắm quyền chủ động tại chiến trường Việt Nam. Hilsman không phải nhân viên tình báo chuyên nghiệp nhưng trong quá khứ ông là một cộng tác viên tích cực của CIA.

Hilsman thuộc giới trẻ và khuynh hướng tự do (ông đã công khai chống đối Đại sứ Nolting và chịu sự chi phối của một số ký giả Mỹ cho rằng Đại sứ Nolting quá nhu nhược với chính quyền Ngô Đình Diệm và cũng lên án Nolting đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm mua chuộc). Đã từ lâu phe Hilsman chue trương thay thế Đại sứ Nolting. Ông Nolting lại là một nhà ngoại giao thuần túy. Ngôn ngữ, cử chỉ của ông có vẻ Tây hơn Mỹ. Ông bị ảnh hưởng của văn hóa Pháp khá sâu xa. Sự thật là lập trường của Đại sứ Nolting là ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm và ông được coi là người Mỹ mềm dẻo nhất tại Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1963, Phòng Trung ương Tình báo tại tòa đại sứ Mỹ có khoảng 50 nhân viên (sau năm 1963 và cho đến nay số này đông vô kể) Đại tá Richarson là ông trùm CIA tại Nam Việt Nam lúc đó dưới quyền ông Smith. Nhưng Richarson lại tỏ ra đồng một lập trường với Đại sứ Nolting. Sau này ông Nhu tố cáo Richarson âm mưu đảo chính, ông Nhu tố sai, tuy vậy Richarson bị cấp tốc thay thế. Ông Nhu mất một Mỹ CIA ủng hộ. đấy cũng là một tính toán lầm của ông Nhu.

Nếu nói rằng CIA tại toà Đại sứ Mỹ chủ động vụ nổ tại Đài Phát thanh thì không đúng. Nhưng CIA không phải chỉ ở toà Đại sứ Mỹ mà họ có đường dây hoạt động biệt lập với phòng CIA của Đại tá Richarson và chỉ trực tiếp với Washington. Do đó, “cú Scot” tại Đài Phát thanh Huế cũng chỉ là một cú “chơi lẻ”.

Ngay từ những năm 1961, 1962 nhân viên Trung ương tình báo Mỹ đã gài người trong nhiều cơ quan như USAID kể cả những tổ chức văn hoá, giáo dục.

Nhờ vậy,CIA đã thừa khả năng nhân sự để chơi những “cú lẻ” tương tự như trên.

Người ta tự hỏi rằng, hà tất gì CIA phải nhập cuộc như vậy qua vụ nổ Scot tại Đài Phát thanh Huế? Câu chuyện thật dài dòng phức tạp và khó có thể kết luận cho vấn nạn trên đây nếu không có căn cứ theo những diễn biến trong cuộc bang giao Việt Mỹ 1964 cùng những toan tính của Mỹ trong chiến lược của họ tại Việt Nam. Giới chức Mỹ nhất là phía CIA đã thuộc lòng phương thức này: Những lãnh tụ Á đông phải dùng bạo lực mới có thể đánh đổ họ xuống được.

Nhưng lúc ấy không ai nghĩ CIA nhúng tay “tinh vi” như vậy mà người ta nhất định cho rằng Cộng sản làm vụ này.

Riêng ông Cẩn trước cái hoạ như vậy và khi nghe tường trình nội vụ rồi im lặng triền miên nhưng đành bất lực không biết phải giải quyết như thế nào. Theo Đại uý Minh đã có 3 ý kiến được nêu lên như sau:

1- Đã xảy ra như vậy thì làm tới luôn. Sáng ngày 9, ban hành lệnh giới nghiêm tại thành phố. Đồng thời cô lập giữa chùa Từ Đàm với các cán bộ Phật tử. Trong khi đó cơ quan an ninh sẽ truy lùng những thành phần Việt cộng khả nghi từ bấy lâu nay.

2- Nếu không giải quyết theo cách một thì cấp tốc phải tìm tới gia đình các nạn nhân để điều đình thu xếp ổn thoả và bồi thường xứng đáng.

3- Cách hai không đồng ý thì phải thương thuyết với mấy thày chùa Từ Đàm và nhờ các thầy xoa dịu đồng bào Phật tử và đồng thời sẽ bồi thường nạn nhân một cách đầy đủ.

Cả 3 phương thức giải quyết đưa ra ông Cẩn không có một thái độ nào rõ rệt. Ông Cẩn ra lệnh cho Toà Đại biểu đánh điện cấp tốc về Sài Gòn để xin quyết định. Một việc nóng bỏng như vậy nhưng mãi hai ngày sau Sài Gòn mới phái ông Bùi Văn Lương Bộ trưởng Nội vụ ra Huế tìm cách giải quyết tại chỗ.

Trong số những phương thức dược đưa ra để giải quyết có một phương thức khá nguy hiểm. Hoàng Trọng Bá cho rằng, ngoài việc giới nghiêm toàn thể ngày 9-10 chính quyền phải cho mời ngay Thượng tọa Trí Quang và Thiện Minh vì ai cũng biết hai vị này là nòng cốt của Giáo hội Phật giáo miền Trung. Ý kiến ấy như thế này:

“Ông Cố vấn (tức ông Cẩn) sẵn “hồ sơ tối mật” của hai thày (ông Cẩn có thể dùng những hồ sơ đó như một điều kiện giao tế) và cho rằng khi đã nắm được những “a tu” cua mấy vị tất sẽ dễ dàng khu xử và những cái gọi là “bí ẩn” trong đời sống cá nhân cùng những hoạt động từ năm 1945-1955. Ý kiến trên căn cứ theo đó xin với ông Cẩn cho an ninh “mời” ngay hai thầy lại và sẽ đưa ra điều kiện để doạ: Hồ sơ hai thầy như thế, như thế, hoạt động quá khứ như vậy…như vậy. Do đó, 1 là mấy thầy bỏ qua nội vụ và để chính quyền lo việc bồi thường. Hai là nếu không chính quyền sẽ bắt giữ rồi công khai hoá “hồ sơ tối mật” đã nắm giữ từ dạo năm 1956 trong khi đó chính quyền sẽ dùng phương thuật “phóng tại hoá thu nhân tâm”, bồi thường nạn nhân xoa dịu Phật tử, mua chuộc các thày khác”.

Ý kiến trên có vẻ bá đạo, nhưng Hoàng Trọng Bá tin chắc chắn sẽ có hiệu nghiệm. Cuối cùng lại không được chấp nhận.

Sáng 9-5 Đại uý Minh túc trực tại Văn phòng chỉ đạo từ sớm. Ông Cẩn chỉ thị tìm mọi cách giải quyết sao cho êm đẹp.

Về phía Phật giáo tại chùa Từ Đàm thì ngay đêm 8, sau vụ nổ, nhiều Thượng tọa cũng dao động không biết sự thể sẽ xảy ra như thế nào. Hầu hết đều ngán thứ “uy quyền” trong tay ông Cẩn (trên thực tế uy quyền đã suy giảm từ năm 1961) cho nên không một Thượng tọa, Đại đức nàođủ bình tĩnh để trù tính kế hoạch cho ngày hôm sau ngoại trừ một hai thày đã có mưu kế riêng.

Mấy Thượng tọa lại lo sợ chính quyền sẽ áp dụng biện pháp mạnh, và có thể tan rã hàng ngũ mà các thày đã dầy công xây đắp từ mấy chục năm qua. Riêng Nguyễn Nghiễm trong thâm tâm nghĩ rằng, sẽ có sự bắt bớ vào sáng mai và ông đã trù tính trốn nếu sự thể không êm. Nhưng lại có một khuynh hướng tích cực khác cho rằng, phải lợi dụng ngay biến cố này để làm lớn chuyện. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở. Đứng đầu khuynh hướng này là Thượng tọa Thiện Minh.

Theo Nguyễn Nghiễm, Thượng tọa Trí Quang tuy là người lên tiếng và phát động đầu tiên (qua bài thuyết pháp) nhưng ngay từ ngày 7đến ngày 9 vai trò của Thượng tọa Thích Thiện Minh mới là quan trọng và chủ động. Vì Thượng tọa này có lập trường dứt khoát cho rằng, phải lợi dụng ngay biến cố đẫm máu kể trên để hướng đồng bào Phật tử về một mục đích sống chết cho đạo pháp. Việc đầu tiên, nếu như ngày 9 êm xuôi thì phải đứng lên, thời cơ đã đến.

Sáng 9-5, chính quyền lo sợ bên chùa Từ Đàm sẽ làm tới, nên ông Cẩn muốn dùng “tấm tình cố tri” với mấy thày để giải quyết. Song nội bộ chùa Từ Đàm tuy đoàn kết nhưng ý kiến rất phân tán, do dự và không ai ngờ phía ông Cẩn lại mềm dẻo như vậy.

Trụ cột là ông Cẩn. Và chính quyền địa phương chỉ chờ đợi sự giải quyết của ông Cẩn thì ông Cẩn lại không có một quyết định nào. Mọi sự đều nhờ Trung ương. Suốt buổi sáng ngày 9, ông Cẩn rất bận rộn: nào là tiếp Thượng tọa Trí Quang, nào là tiếp các giới chức liên hệ. Ông Cẩn vẫn không tìm ra được phương thức nào thu xếp ổn thoả. Một cách đơn giản nhất, ông Cẩn chỉ dùng tiền mua chuộc những người liên hệ và mặt khác cho người tiếp xúc riêng với các gia đình nạn nhân để dàn xếp.

Về phía Từ Đàm, chỉ cần một buổi sáng “tiếp xúc và hoà hoãn” đã trắc nghiệm được phản ứng của phía chính quyền và thấy rằng, chính quyền không dám làm tới, do đó cần phải bắt tay hành động. Việc đầu tiên là phải yêu cầu chính quyền trả xác các nạn nhân về chùa Từ Đàm để nhà chùa lo phần ma chay chôn cất.

Lời yêu cầu này không được thoả mãn vì phía ông Cẩn đã lượng tính được hậu quả và biết thế nào cũng có biến chuyển rất nguy hiểm nếu phía Từ Đàm tổ chức chôn cất nạn nhân.

Trong khi ở Huế còn đang giằng co dàn xếp thì tại Sài Gòn vẫn có vẻ yên tĩnh lắng đọng. Tại dinh Gia Long, khi nhận được tin về vụ nổ Đài Phát thanh Huế, Tổng thống Diệm vẫn yên trí rằng Cộng sản len lỏi vào, sách động và gây tiếng vang để quy tội cho chính quyền đàn áp Phật giáo.

Ngày 9 và ngày 10, ông Tổng thống vô cùng đăm chiêu. Nguồn tin và báo chí ngoại quốc – nhất là Mỹ, Pháp đều không đồng nhất. Tổng thống Diệm vẫn đinh ninh câu chuyện sẽ giải quyết êm đẹp, không có gì quan trọng gọi là đại sự. Phía Phật giáo tại Sài Gòn cũng chưa có một phản ứng nào khác hơn là xôn xao bàn tán và cũng mới chỉ biết biến cố qua báo chí dư luận và nhất là bản tin của Đài VOC, BBC.

Toà Đại sứ Mỹ qua ngày 9 và ngày 10 vẫn giữ thái độ yên lặng dè dặt. Ngay trong hàng lãnh đạo Phật giáo tại Huế cũng như Sài Gòn không ai ngờ rằng biến cố có thể lan rộng và trở thành cơn giông tố. Nếu như chính quyền Trung ương lúc đó có một quyết định dứt khoát để giải quyết cấp thời thì vụ Phật giáo cũng không nổ to và có thể thu xếp được ngay từ buổi đầu.

Trước một biến cố như vậy, không thể giải quyết bằng đường lối hành chính, luật pháp và công quyền, mà phải giải quyết bằng những biện pháp chính trị với tính cách uyển chuyển, thích nghi và thông suốt. Đằng này, Tổng thống Diệm lại chờ đợi giới chức Thừa Thiên báo cáo sau đó mới cử ông Bộ trưởng Nội vụ ra điều tra tại chỗ.

Biến cố tại Đài Phát thanh Huế sẽ không thể bùng nổ to nếu không có sự lợi dụng những mâu thuẫn giữa ông Ngô Đình Cẩn và Đức cha Ngô Đình Thục và nhất là nếu không có sự đổ dầu vào lửa của toà Lãnh sự Mỹ tại Huế. Một vài Thượng tọa thuộc phe “tích cực dấn thân” như Thượng tọa Trí Quang, Đôn Hậu vì có tình quen biết với ông Cẩn nên cứ làm tới trước hết, không phải là để “chơi” ông Cẩn mà có ý biểu dương lực lượng cho Đức Cha Thục coi. Sau khi trắc nghiệm thấy có thể làm được thì làm tới luôn. Lúc đầu, ông Cẩn lại chủ quan tin rằng:

Các thày chùa Từ Đàm nể ông và vì tình riêng ông sẽ không làm mạnh cho nên lập trường của ông Cẩn lúc đầu hết sức dè dặt và tìm mọi phương thương nghị. Đêm 9 ông Cẩn tâm sự với mấy nhân vật thân cận như Đại uý Minh, Hoàng Trọng Bá, Hồ Đắc Trọng: “Dù là Cộng sản nó gây ra như vậy thì mình cũng có trách nhiệm. Sáng nay thày Trí Quang gặp tui, thầy ấy có buồn phiền nhưng sau nói riết, thầy ấy cũng vui vẻ nhận lời thu xếp”.. Thực tế thì sáng 9-5, khi gặp ông Cẩn, thầy Trí Quang cũng không có gì là quá “găng”. Thượng tọa Thiện Minh lại quá “thâm trầm” nên không ai thấy rõ thầy Minh muốn gì, sẽ làm gì. Nhưng Thượng tọa Trí Quang có sự nóng tính và qua sự nóng tính đó đã nhiều lần thày Trí Quang biểu lộ sự bất mãn về Đức Cha Ngô Đình Thục cùng sự “hiện diện quyền uy” của Đức cha tại Huế. Điều mà chính ông Ngô Đình Cẩn cũng tỏ ra khó chịu và bất mãn. Bài thuyết pháp của Thượng tọa Trí Quang sáng 8-5 có ý nhằm vào Đức Cha Ngô đình thục hơn là chính quyền Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu.

Có nhẽ vì thế mà ông Ngô Đình Cẩn tỏ vẻ thờ ơ không lấy làm khó chịu về bài thuyết pháp của Thượng tọa Trí Quang và có nhẽ vẫn tin rằng, mình đã nắm được mấy thầy nên ông Cẩn đã từ chối ngay đề nghị của Hoàng Trọng Bá yêu cầu tung ra trước công luận một vài tài liệu “tổ chức” nọ. Tuy nhiên dù có tung tài liệu đó ra và tài liệu đó có đúng 10/ 10 đi nữa thì quần chúng đang hăng say cũng sẽ không tin tưởng gì vào tài liệu đó cuối cùng sẽ mang tiếng là dùng sức mạnh của nhà nước để chụp mũ.

Trong khung cảnh và thực tại của Huế lúc ấy chính quyền Thừa Thiên chỉ cần khôn khéo đôi chút thì đã dễ dàng xoa dịu được phản ứng nhất thời của quần chúng Phật tử. Nhưng từ Tỉnh trưởng đến đại biểu Chính phủ đã quá non nớt về chính trị và chỉ là cấp thừa hành về hành chính nên đành khoanh tay, trong khi đó phản ứng của quần chúng không được xoa dịu và càng ngày càng bị khích động do những nguồn dư luận “giật gân”.

Ngày 10-5 ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ được phái ra Huế để điều tra tại chỗ. Theo thông lệ và “truyền thống” của những nhà hành chính thì công việc điều tra đều dựa trên giấy tờ và nghe các cấp bộ hành chính điều trần. Do đó, ông Bùi Văn Lương vẫn lạc quan vì tình hình tại Huế không có gì trầm trọng, dân tình vẫn như thường. Ông Lương tiếp xúc với các giới liên quan như ông Nguyễn Văn Đẳng, ông Hồ Đắc Thương, Thiếu tá Sỹ, Trung tá Thưởng, chính quyền vẫn giữ nguyên luận cứ là Cộng sản đã gây ra thảm cảnh này. Buổi trưa ngày 10-5, trên đuờng từ toà Đại biểu qua dinh ông Ngô Đình Cẩn, ông Bộ trưởng Bùi Văn Lương gặp đoàn đại biểu tỉnh khoảng vài trăm thanh thiếu niên, hàng ngũ lộn xộn. Đại uý Minh trình bày cho ông Bùi Văn Lương về “nội dung” thành phần đoàn biểu tình đó, còn quá thưa thớt và hỗn tạp. Nhưng nếu ở xa chỉ nghe hai chữ biểu tình mà lại do Phật giáo đồ chủ trương thì cuộc biểu tình trở nên sôi nổi trong trí tưởng tượng của mỗi người. Riêng cuộc biểu tình ngày 10-5 giới an ninh báo cáo có ông Phó Lãnh sự Mỹ đi theo sau “quan sát”. Tất nhiên là ông đi trên vỉa hè. Sự hiện diện của ông Phó Lãnh sự Mỹ quả là một yếu tố khích động rất quan hệ đầy ý nghĩa. Nhưng chính quyền hồi đó vẫn tin tưởng quá nhiều nơi thiện chí của ông bạn đồng minh Mỹ. Phía Phật giáo cũng vậy, khi thấy giới chức cao cấp Mỹ ủng hộ cuộc tranh đấu của mình, không ai nghi ngờ thiện chí của họ.

Cùng ngày phái đoàn của Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hoà ra Huế thì chùa Từ Đàm cũng tổ chức mít tinh và đưa ra bản tuyên ngôn gồm 5 điểm. Bản tuyên ngôn trở thành căn bản và đối tượng chính yếu của Phật giáo năm 1963.

Với bản tuyên ngôn như vậy và kèm theo lời tường trình báo cáo của ông Bộ trưởng Bùi Văn Lương, Tổng thống Diệm tỏ vẻ tức giận cho rằng phía Phật giáo đòi hỏi quá đáng. Ông Tổng thống lại coi đây chỉ là một yêu sách của một khuynh hướng Phật giáo tại Sài Gòn, Tổng thống Diệm lại càng quyết định không thể nhượng bộ, vì từ ngày 10-15/6 giới lãnh đạo Phật giáo Sài Gòn vẫn còn tiêu cực, tuy có phản đối chính quyền qua bức công điện (cấm treo cờ) nhưng lại có vẻ hoà hoãn với chính quyền và đặt chủ trương một giải pháp ôn hoà trung dung. Trong khi đó Tổng thống Diệm lại chỉ quyết định tìm hiểu và nói chuyện với các vị lãnh đạo này tiêu biểu qua cư sĩ Mai Thọ Truyền, Thượng tọa Thích Thiện Hoa (chùa Ấn Quang) và Thượng tọa Tâm Châu (chùa Từ Quang).

Thực tế để giải quyết vấn đề vẫn là Huế làm chính quyền tại Sài Gòn vẫn tin tưởng là Huế không có gì đáng ngại. Sự thực hoàn toàn khác. Không khí tranh đấu tại Huế bùng nổ vào ngày 8-5 lắng dịu sau đó nhưng đang âm ỉ như những sóng ngầm. Chùa Từ Đàm đã quy tụ được một lực lượng quần chúng đáng kể và rất đáng ngại đó là các thành phần các bạn hàng tiểu thương tại chợ Đông Ba, các anh em công nhân xe đò, xích lô đạp, sau cùng là một thành phần nòng cốt gồm học tăng tại chùa Bảo Quốc nơi Thượng tọa Trí Quang và Thượng tọa Minh Châu đã được đào tạo. Các học tăng trở nên một lực lượng xung yếu. Thêm vào đó là tập thể sinh viên Huế. Mấy ngày đầu, tập thể sinh viên Đại học Huế im lặng và chỉ có sinh viên Phật tử tham dự, hơn nữa tháng năm đang vào hè và sinh viên đang dự thi. Nếu như chính quyền giải quyết ngay mấy ngày đầu thì lực lượng trên khó lòng có thể móc nối liên lạc với nhau được. Qua ngày 12, khi thấy chính quyền không đàn áp và chỉ có canh chừng, Huế bắt đầu vùng dậy và các lực lượng trên tự nó vốn phân tán nay liên kết với nhau và cùng hướng về đối tượng tranh đấu cho 5 điểm trong bản tuyên ngôn. Huế bắt đầu chuyển động.

Từ phía Từ Đàm Huế thay đổi thái độ. Thượng tọa Trí Quang gặp thẳng ông Ngô Đình Cẩn để thu xếp, mục đích làm thế nào chính quyền Trung ương thu xếp trực tiếp với giới lãnh đạo Phật giáo tại Huế mà không qua trung gian đại diện Phật giáo tại Sài Gòn.

Đề nghị này cũng hợp lý vì ông Cẩn từ lâu vẫn cho rằng Tổng giáo hội Phật giáo Việt Nam Cộng hòa phải là miền Trung, chùa Từ Đàm mới là đầu não.

Các thày chùa Từ Đàm khi được tin mấy Thượng tọa Tâm Châu, Thiện Hoa nhảy vào cuộc thì không khỏi lo ngại tiếng nói Phật giáo miền Trung sẽ không được chính quyền Trung ương tôn trọng. Sau khi đã công bố bản tuyên ngôn 5 điểm, chùa Từ Đàm đã nắm được nhiều yếu tố thuận lợi. Dù vậy cho đến ngày 15-5, khi Phật giáo Sài Gòn làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân, tại đài phát thanh Huế không hiểu từ một nguyên nhân sâu xa nào, các thầy chùa Từ Đàm bỗng nhiên thay đổi thái độ và trở nên hoà hoãn, muốn nói chuyện với Chính phủ. Ông Ngô Đình Cẩn thỉnh cầu với Trung ương yêu cầu điều đình trực tiếp với Huế qua hai Thượng tọa Trí Quang và Thiện Minh. Nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm từ chối đề nghị đó. Điều này làm ông Cẩn bối rối, khó xử. Cùng ngày 15-5, một phái đoàn Phật giáo đại diện Nam Tông và Bắc Tông vào yết kiến Tổng thống Diệm và đề đạt nguyện vọng. Kết quả là không đi đến đâu. Sài Gòn bắt đầu rậm rịch bùng lên đấu tranh của Phật giáo.

Ngôi sao Tâm Châu bắt đầu ló rạng. Một phong trào tranh đấu của Phật giáo tại Sài Gòn có đủ yếu tố để lớn mạnh và có đủ điều kiện để làm mạnh với chính quyền.

Trong khi Huế, cái đinh của biến cố lại bắt đầu mờ nhạt, không tạo được cơ hội để tranh thủ chính quyền Trung ương. Dù vậy, Huế vẫn nắm căn bản “pháp lý” qua tổ chức Tổng hội Phật giáo miền Nam Việt Nam mà hội chủ là hòa thượng Thích Tinh Khiết.

Ngày 20, hòa thượng Hội chủ đã đánh điện tín vào Sài Gòn và một số tỉnh để báo tin để tang và lễ cầu siêu cho các nạn nhân vụ nổ ở Đài phát thanh. Đó cũng là cách lên tiếng. Phía chùa Từ Đàm từ cuộc biểu tình ngày 10 đến ngày 21 cngx đã tự hiểu được rằng dù có cán bộ và quần chúng, Huế không thể đơn phương vận động một phong trào chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Về phía ông Cẩn qua trục giao liên Hà Thúc Luyện, Lê Trọng Quát, Lê Văn Nghiêm được biết rằng các thày chùa Từ Đàm tuy bên ngoài mạnh miệng tỏ ra cương quyết nhưng đã rất muốn “thương thuyết” để bảo đảm chủ lực Huế. Chính quyền Trung ương thì vẫn cố chấp “chỉ nói chuyện” với đại diện Phật giáo tại Sài Gòn. Do đó Thượng tọa Trí Quang đến gặp ông Cẩn rồi tự tay Thượng tọa viết một lá thư gửi Tổng thống Diệm nhờ ông Cẩn chuyển giao. Nội dung lá thư thật hoà hoãn, khiêm nhường.

Qua cuộc tiếp xúc giữa Thượng tọa Trí Quang giới Phật giáo Từ Đàm không đòi hỏi chính quyền phải thoả mãn ngay 5 điểm trong bản tuyên bố. Trái lại bên Từ Đàm đã hạ 5 điểm xuống còn 3 điểm và những điểm này đều có thể thoả mãn được, như: “Yêu cầu chính quyền bồi thường một cách xứng đáng cho nhũng kẻ chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải trừng phạt xứng đáng”.

Theo giới thân cận ông Cẩn thì nếu như chính quyền trung ương gặp trực tiếp giới Phật giáo chùa Từ Đàm thì mọi việc thu xếp cũng không có gì khó khăn. Tuy nhiên Phật giáo chùa Từ Đàm vẫn bị khích động qua khuynh hướng “cứ làm tới”. Cũng khuynh hướng này tuy chỉ là một thiểu số nhưng đã đóng góp vai trò chủ động và lấn át những khuynh hưởng ôn hoà. Thượng tọa Minh bắt đầu nao núng.

Sài Gòn chuyển động, dần dần trở thành trung tâm của biến cố. Trước hoàn cảnh này, các thầy chùa Từ Đàm đứng trước bài toán:

1) Phải làm mọi cách để có mặt tại Sài Gòn hoặc trực tiếp với chính quyền hoặc có thể nắm một phần chủ động trong những biến chuyển tại Sài Gòn. 2) Nếu không được như vậy, tạm thời thoả hiệp và thương nghị với chính quyền qua những đòi hỏi tối thiểu và nhượng bộ nhau. Thực tế sự xuất hiện của Thượng tọa Tâm Châu cũng như cư sĩ Mai Thọ Truyền sẽ làm nghiêng ngả Phật giáo nếu không nhanh tay hành động thì Phật giáo miền Trung sẽ bị lép vế, do đó nguyện vọng và đòi hỏi của Phật giáo miền Trung sẽ trở thành cái cớ thúc đẩy những tập thể đứng lên lãnh “công đầu”. Bởi vậy bằng mọi giá các Thượng tọa Trí Quang, Thiện Minh cũng phải nắm lấy thế chủ động và các vị này vẫn tin rằng ông Ngô Đình Cẩn sẽ bênh vực lập trường của Giáo hội Phật giáo miền Trung. Mà thực vậy, ông Cẩn tìm mọi cách thuyết phục Tổng thống Ngô Đình Diệm “tiếp kiến” riêng một phái đoàn Phật giáo miền Trung. Nhưng ông Cẩn không đủ tín nhiệm để thuyết phục đồng bào. Biến cố 8-5 tại Huế, Tổng thống Diệm lại chỉ theo sự tường thuật một chiều và chật hẹp của Đức Cha Ngô Đình Thục. Ngày 7-5 khi tình hình có vẻ căng thẳng, Đại tá Đỗ Cao Trí gặp riêng Đức cha Ngô Đình Thục rồi bay thẳng về Sài Gòn

yết kiến Tổng thống Diệm để trình bày nội vụ từ ngày đó cho đến khi Hoà thượng Quảng Đức tự thiêu.

Tổng thống Diệm vẫn được nghe trình bày nội vụ từ một phía, tức phía Đức Cha Ngô Đình Thục và giới chức chính quyền, cho nên ông Tổng thống lại càng tin mình làm việc chính đáng đế tôn trọng quốc kỳ và thể thống quốc gia.

Một biến cố như vậy dáng lẽ phải cấp thời thu xếp cho êm đẹp vì càng kéo dài càng bất lợi.Và nó đã bất lợi thật: gần nửa tháng không giải quyết được gì. Biến cố đó đã đẻ ra bao nhiêu biến cố dây chuyền khác.

Chính quyền đã hết sức sai lầm khi ra lệnh cấm treo cờ, tuy cái lầm lẫn đó ở bất cứ một chính quyền nào thiếu sự cảnh giác cũng có thể mắc phải. Với một bộ máy công quyền thư lại quen làm việc chiếu lệ, điều đó có thể không đáng trách lắm trong bối cảnh một nước chậm tiến. Song điều đáng trách là khi chính quyền đã lầm lỗi lại không biết kịp thời khôn ngoan sửa chữa lỗi lầm, do đó mới bị tràn ngập bởi các biến cố. Lúc ấy chính quyền “túng thế” cho rằng phải cương quyết bảo về uy quyền nếu cần bằng biện pháp mạnh. Khi biện pháp mạnh được sử dụng (trong hoàn cảnh tràn ngập biến cố) thì chính những biện pháp mạnh đó lại nuôi dưỡng biến cố và chỉ là cách đổ dầu thêm vào lửa.

Nếu như Tổng thống Diệm nghe lời ông Cẩn và chấp nhận nói chuyện với các Thượng tọa miền Trung thì nội vụ đã không đổ vỡ lớn như vậy. Mặc dù, có sự yêu cầu được tiếp kiến của Thượng tọa Trí Quang, Tổng thống Diệm lại trả lời không tiếp kiến, không thu xếp với phía Từ Đàm, vì ông Tổng thống cho rằng một vấn đề địa phương như vậy một ông Đại biểu Chính phủ cũng đủ tư cách để thu xếp.

Qua ngày 20-5, chính quyền địa phương đành thúc thủ đợi lệnh thượng cấp. Chính quyền trung ương vẫn không có một đường lối dứt khoát trong việc giải quyết vì không dựa vào sự phân tích thực tế khách quan mà chỉ dựa vào ý kiến và xúc cảm chủ quan của mình.

Những ngày đầu của biến cố, phía Cộng sản mới chỉ lên tiếng chiếu lệ (tuyên truyền có lợi cho mình) nhưng Cộng sản đã bắt đầu điều khiển và phân tích thực tại khách quan của nội vụ để có thể nếu điều kiện thuận lợi nhất cho phép thì họ nhảy vào vòng. Trong khi đó, mấy ông CIA Mỹ “chìm” cố kết với báo chí Mỹ, Pháp qua các thông tấn và ký giả tại Sài Gòn để đóng vai trò hoạt náo viên có lợi nhất cho “đối phương” hành động.

Tại Sài Gòn ngày 21-5 một cuộc lễ cầu siêu tổ chức tại chùa Ấn Quang với sự tham dự của 5, 6 trăm tăng ni, cuộc rước linh từ rất trọng thể từ Ấn Quang qua Xá Lợi. Đó là dấu hiệu đầu tiên liên kết giữa các vị lãnh đạo Phật giáo ba miền Trung – Nam – Bắc. Trước đó, giới Phật giáo miền Nam vẫn còn e dè thận trọng tối đa. Theo giới thân cận tại chùa Xá Lợi cho biết, cư sĩ Mai Thọ Truyền là chỗ tâm giao với thượng tọa Thiện Hoà (Ấn Quang) mà Thượng tọa Thiện Hoà được coi là vị tu hành không có tham vọng thế tục, bản chất rất hiền hoà phước hậu và ghét chính sự đa đoan.

Cư sĩ họ Mai vốn là bạn thân của Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, ông lại là cựu Tổng thanh tra Hành chính Tài chính phủ Tổng thống,ông không muốn dính dáng chính trị với Phật sự. Đã từ lâu cư sĩ họ Mai không “hoan hỉ” cho lắm về mấy thầy tại chùa Từ Đàm. Có lẽ do kết quả từ những bất đồng ngấm ngầm qua một lần tham dự hội nghị Phật giáo quốc tế.

Trước biến cố 8-5, phía Xá Lợi tỏ ra thận trọng. Sau khi tiếp xúc với ông Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương (với tư cách riêng và tâm tình) giới đầu não Hội Phật học Nam Việt “cảnh giác” với một số bằng hữu ở chùa Xá Lợi nên họ cho rằng hãy coi chừng, chớ có nhẩy vào vòng không rồi mắc mưu ông Ngô Đình Cẩn. Họ đề cao cảnh giác như vậy vì vẫn hoài nghi và có mặc cảm với một số tổ chức do ông Cẩn đỡ đầu. Biết đâu từ biến cố 8-5 lại không có người của ông Cẩn nhân dịp biến cố này sẽ lợi dụng để tung một mẻ lưới lớn? Kinh nghiệm chính trị cho phép hoài nghi như vậy, vì trong những biến cố chính trị chính quyền biết đâu không cho những người nằm vùng để khuấy động.

Những ngày đầu của biến cố, Phó Tổng thống Thơ vẫn đứng ngoài lề có lẽ ông muốn tránh tiếng và có lẽ cũng không muốn dây dưa đến một vấn đề có liên hệ đến miền Trung (thuộc phạm vi ông Ngô Đình Cẩn).

Ngoài ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ có phận sự thu xếp Tổng thống Diệm còn uỷ thác cho bác sĩ Võ Vinh Hoa tìm cách dàn xếp riêng với trục thượng tọa Thiện Hoà và cư sĩ Mai Thọ Truyền, bác sĩ Hoa cũng là một y sĩ riêng của Tổng thống Ngô Đình Diệm (sau bác sĩ Bùi Kiện Tín) bác sĩ Hoa có nhiều liên hệ tình cảm với Thượng tọa Thiện Hoà cũng như cư sĩ Mai Thọ Truyền. Gia đình ông lại quen biết với Thượng tọa Trí Quang (qua gia đình ông Võ Văn Hoàng – Phòng Thương mại Sài Gòn). Bác sĩ Hoa sau những lần thăm dò đã trình rõ là cư sĩ Mai thọ Truyền vẫn giữ lập trường ôn hoà. Sở dĩ phải có thái độ với chính quyền vì không thể không chứng tỏ trong đoàn kết tương thân với Phật giáo miền Trung. Hơn nữa, cư sĩ Mai Thọ Truyền cũng là một thành phần lãnh đạo của Tổng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Cộng hoà.

Về phía ông Ngô Đình Nhu thì như thế nào? Ông Nhu chỉ thực sự dấn mình vào biến cố sau khi Hoà thượng Quảng Đức tự thiêu (11-6-1963)và từ đó ông càng trở nên quyết liệt chơi ván bài “được ăn cả ngã về không”. Trước đó gần như ông không tỏ một thái độ nào rõ rệt. Sau vụ Huế 2 ngày, hôm ấy hình như là thứ sáu, ông Nhu lên Đà Lạt. Lương Khải Minh có điện thoại cho ông Cao Xuân Vỹ nhờ ông Vỹ trình bày nội vụ cho ông Nhu hay “Toa tìm cách nói thêm nào cho ông Cố vấn rõ chuyện và nên tìm cách thu xếp cho êm đẹp không sẽ là một vấn đề nguy hiểm “.

Trên đường từ dinh ra phi trường trên xe chỉ có ông Nhu và Cao Văn Vỹ. Dịp này ông Vỹ đã tường trình cho ông Nhu rõ đầu đuôi sự cố. Ông Nhu tỏ vẻ buồn bực và nói: “Quyết định một việc vô chính trị như vậy mà không hỏi ý kiến ai (ý nói Tổng thống Diệm đơn phương quyết định một mình)”. Nhưng thật lạ lùng, thứ hai tuần sau khi trở lại Sài Gòn ông Nhu bỗng dưng thay đổi thái độ và trở nên cương quyết. Quả là khó hiểu. Có nhẽ ông bị bà vợ chi phối quá nhiều. Khi ở Sài Gòn một mình, thái dộ của ông ôn hoà và bực tức với biến cố mà ông cho rằng “thất chính trị”. Sau khi lên Đà Lạt với bà vợ 3 ngày bỗng dưng thái độ của ông thay đổi từ cực này đến cực kia.

Ngày 25-5 Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo đưa ra bản tuyên ngôn đặt trên hai căn bản chính yếu:

1. Ủng hộ 5 nguyện vọng của Phật giáo qua bản tuyên ngôn 10-5-1963 (xuất phát từ chùa Từ Đàm).

2. Thề nguyền đoàn kết trong cuộc tranh thủ hợp pháp và bất bạo động để tranh thủ cho đến khi đạt được 5 nguyện vọng ấy.

Một loạt lễ cầu siêu được tổ chức theo giây chuyền từ chùa Xá Lợi đến Giác Minh và các chùa khác trong đô thành.

Trụ sở của Uỷ ban Liên phái đặt tại chùa Xá Lợi vì đây là một chùa lớn đồng thời cũng là trụ sở của chi hội Tổng hội Phật giáo miền Nam vì chùa Ấn Quang lúc ấy còn quá nhỏ. Chùa Từ Quang (nơi Thượng tọa Tâm Châu trụ trì) lại ở trong con hẻm (đường Phan Thanh Giản). Thượng tọa Tâm Châu trở thành Chủ tịch của Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo vì Thượng tọa được coi là một trung dung giữa “trục” Phật giáo miền Trung và các “phái” Phật giáo khác trong Nam. Sự xuất hiện của Thượng tọa Tâm Châu được coi là nhân vật thuận lợi cho nhịp cầu thông cảm giữa các tôn giáo phái lúc bấy giờ. Vả lại, trước năm 1963 và trong 9 năm chế độ Ngô Đình Diệm Thượng tọa Tâm Châu được coi là vị tu hành theo đúng tôn chỉ của Đức Thế Tôn. Thượng tọa trụ trì trong một ngôi chùa nhỏ, hàng ngày dịch kinh sách và tu đạo Thượng tọa Tâm Châu không có liên hệ với chế độ Ngô Đình Diệm, nhưng Thượng tọa cũng không phải là người chống lại chế độ đó. Trong chín năm, chính quyền Ngô Đình Diệm không có hoài nghi về Thượng tọa Tâm Châu. Trong kỳ bầu cử Tổng thống, ông Diệm có theo bác sĩ Tuyến đến thăm Thượng tọa Tâm Châu. Dịp này bác sĩ Tuyến ngỏ ý thỉnh cầu Thượng tọa chỉ ủng hộ liên danh Ngô Đình Diệm – Nguyễn Ngọc Thơ. Thượng tọa hoan hỉ nhận lời. Thích Tâm Châu trở thành Chủ tịch uỷ ban Liên phái Phật giáo, đạt được một lợi điểm đối với chính quyền, vì Thượng tọa cũng từng đứng trong phong trào liên tôn chống Cộng sản (năm 1945-1946). Thượng tọa lại là chỗ quen biết của Đức cha Lê Hữu Từ cũng như Linh mục Hoàng Quỳnh.

Tuy vậy sự xuất hiện của hai thầy Tâm Châu và Đức Nghiệp đã làm cho một số người tại Huế không vừa ý, vì vậy hiển nhiên là tiếng nói của Phật giáo miền Trung không được tôn trọng theo đúng tư thế (vì Huế mới là khởi điểm của biến cố). Nhận biết được cái lợi cho chính quyền nếu tìm cách đưa được các thầy Từ Đàm vào Sài Gòn và đích thân tham dự Uỷ ban Liên phái hòng có thể cân bằng “cán cân ảnh hưởng và thế lực”, Lương Khải Minh tìm cách thuyết phục Tổng thống Diệm chấp thuận đưa các thầy Huế vào Sài Gòn để tham dự cuộc nói chuyện trực tiếp với chính quyền. Ai cũng có thể làm được việc giao liên móc nối này? Lương Khải Minh đề nghị bác sĩ Trương Khuê Quan (Giám đốc Xã hội thuộc Bộ Quốc phòng) đảm nhận công việc.

Ngày 30-5 các cấp lãnh đạo 6 tập đoàn Phật giáo thi hành chỉ thị của Hoà thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo miền Nam Việt Nam tuyệt thực 48 giờ kể từ lúc 4 giờ cùng ngày. Tổng đoàn sinh viên Phật tử từ Huế gởi tâm thư cho các Sinh viên toàn quốc hô hào ủng hộ cuộc tranh đấu cho tự do tín ngưỡng, đồng thời gửi một bản kiến nghị lên Tổng thống Ngô Đình Diệm sau một phiên họp khoáng đại tại chùa Từ Đàm sáng ngày 31-5. Điều 4 trong bản kiến nghị có ghi: “Yêu cầu chính quyền ra lệnh triệt để đình chỉ những mánh lới trẻ con, thiếu trí thức của cán bộ đối với tín đồ Phật giáo trong cuộc tranh đấu. Vì chính những mánh lới đó không lừa bịp được ai mà chỉ làm mất uy tín của cán bộ và Chính phủ “. (Bản kiến nghị, có chữ ký của Đại diện 6 phân khoa và các trường như Cộng Đồng Mỹ thuật, Cán sự Y tế, Nữ hộ sinh quốc gia – Quốc gia âm Nhạc). Bản kiến nghị trên đây là dấu hiệu đầu tiên cho biết tập thể sinh viên và học sinh bắt đầu nhập cuộc. Đây cũng là lời phản kháng thứ nhất của giới sinh viên trong suốt 9 năm chế độ Ngô Đình Diệm và cũng là lời lẽ xúc phạm nặng nề nhất vì trong 9 năm cầm quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm chưa hề nhận được một kiến nghị nào công khai bày tỏ sự phản kháng như vậy.

Trên thực tế, bất cứ một phong trào phản kháng nào của tập thể sinh viên dù lởn mạnh và rộng lớn đến đâu cũng không thể xoay chuyển được thế cuộc, không thể lật đổ được chế độ nếu như phong trào đó không gắn liền với một thái độ chống đối định hình khác. Nhưng đây lại khác, tập thể sinh viên, học sinh đã dễ dàng bị lôi kéo và phát động mạnh mẽ trong cuộc tranh thủ của Phật giáo và Phật giáo miền Trung lại có sẵn một khối vận động trong tập thể sinh viên Huế. Khối ấy tuy nhỏ bé (là tổng đoàn sinh viên Phật tử)nhưng lại có đủ yếu tố khích động và gợi cảm hứng tranh đấu cho tất cả tập thể. Sinh viên Huế nhận thức được tầm quan trọng của tập thể sinh viên nếu tập thể này nhập cuộc cho nên một vài nhân vật cận thân của Tổng thống Ngô Đình Diệm tìm mọi cách để thuyết phục Tổng thống giải quyết nhanh chóng.

Tập thể sinh viên trước năm 1963 tương đối thuần tuý. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã thành công trong việc “ổn định” Đại học. Qua Tổng hội sinh viên Sài Gòn, tuy không phải là một thực lực nhưng chính quyền lúc ấy bằng cách này hay cách khác có thể nói đã “nắm” được Tổng hội. Tập thể sinh viên Huế không được tổ chức như Tổng hội sinh viên Sài Gòn nhưng lại quy tụ quanh uy tín của Linh mục Cao Văn Luận.

Sinh viên Huế trước 1963 được coi là chăm học, kỷ luật và hoạt động thuần tuý học đường. Bỗng dưng sinh viên hứng lên phản kháng, nhập cuộc. Lý do dể hiểu là họ bị xúc động qua biến cố 8-5, lại bị mặc cảm thụ động vì bấy lâu nay đã ỷ lại chính quyền, đồng thời người dẫn đạo sinh viên như Linh mục Cao Văn Luận thì nay Linh mục Luận “buông xuôi” không có ý kiến gì trong việc sinh viên phản kháng (dù là sinh viên Phật tử, mà Đại học Huế theo thành phần tôn giáo đa số là Phật giáo). Lý do sự buông xuôi của Linh mục Cao Văn Luận cũng dễ hiểu vì Linh mục luận tuy là chỗ thân tình sâu xa với ông Ngô Đình Cẩn và Tổng thống Diệm, nhưng Linh mục lại có nhiều mâu thuẫn “cá tính” với Đức Cha Thục (nhất là từ khi Đức cha Ngô Đình Thục trở về Huế trọng nhậm giáo hội tỉnh Thừa Thiên Huế). Lý do khác nữa là vì những mâu thuẫn giữa Công giáo và chính quyền. Đồng thời cũng vì “liên đới thiện cảm” với Phật giáo cho nên Linh mục viện trưởng Đại học Huế thế tất không thể chống lại những hành động phản kháng chính quyền và ủng hộ Tổng hội Phật giáo Nam Việt Nam của tập thể sinh viên. Cho nên sinh viên được “buông thả” dễ nhảy vào vòng.

Khi tập thể sinh viên nhảy vào vòng chiến, chính quyền nào cũng không thể không quan tâm đặc biệt. Vấn đề căn bản lúc ấy là phải giải quyết vụ phật giáo thì mới có thể làm xẹp được “phong trào” (lúc ấy hãy còn giới hạn) phản kháng của sinh viên.

Trong khi các khối quần chúng kể cả quần chúng Phật tử đang trong tình trạng thụ động, do dự hoặc tê liệt, giới lãnh đạo Phật giáo khó lòng có thể tạo dược một cuộc vận động lớn dù cho một đối tượng thiêng liêng tôn giáo. Vậy thì chỉ còn sinh viên là một khối “quần chúng” chọn lọc, tuy vô định hình trên lý thuyết nhưng trên thực tế sinh viên trở thành một khối có khả năng vận động nhờ môi trường sinh hoạt, nếp sống hàng ngày tương đối thuần nhất lại hiếu động, dễ tin, đầy nhiệt huyết.

Ngay từ đầu biến cố, chính quyền Ngô Đình Diệm đã có lợi điểm là tập thể sinh viên không tham dự, họ gần như bàng quan. Ở Huế từ ngày 8 đến 30-5, sinh viên Phật tử chỉ tham dự lẻ tẻ với tư cách Phật tử.

Khởi đầu từ tháng 6, vì không giải quyết mau chóng và quá kéo dài biến cố cho nên chính quyền mất lợi điểm trên khi tập thể sinh viên đứng vào hàng ngũ tranh đấu của Phật giáo, đồng thời phía những người Cộng sản thì muốn thâm nhập tranh thủ trong cuộc tranh đấu này một cách hợp pháp và thuận lý cho nên họ đã lanh tay bố trí kế hoạch và khởi điểm của kế hoạch ấy là đi vào cửa ngõ bao giờ cũng bỏ ngỏ theo đúng tinh thần đại học.

Tiên liệu những khó khăn ấy và cái sức mạnh phức tạp vạn nan của khối sinh viên học sinh cùng với khối quần chúng “định hình ” Phật tử (một khi hai khối này liên kết) cho nên khởi đầu từ 22 tháng 5, một vài nhân vật thân cận của Tổng thống Diệm tìm cách “ổn định”. Mà ổn định trong một biến cố tế nhị và phức tạp như vậy thì phương thức chính trị phải được đặt thành trọng tâm hoạt động.

Ổn định trong trường hợp này không có nghĩa là tìm cách đối phó và chiếu lệ. Ông Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần “hoàn toàn” đồng ý với ý kiến và lập trường trên. Ông Thuần trình bày lại với Tỏng thống Diệm, ông Tổng thống không do dự gì cả và chấp thuận ngay nguyên tắc thương nghị và hoà hoãn với Uỷ ban Liên phái.

Vào một buổi sáng đầu tháng 6 khoảng 8 giờ 30 bác sĩ Tuyến được Tổng thống gọi điện thoại bảo vào dinh có việc gấp. Linh tính cho ông biết là đề nghị hoà giải chắc chắn đã được Tổng thống chấp thuận.

-Bây giờ anh tính sao?

Lời hỏi đầu tiên của Tổng thống Diệm. Bác sĩ Tuyến suy nghĩ ít phút rồi trình bày:

– Thưa Cụ bên phía Phật giáo cũng muốn hoà giải. Chuyện này cũng không có gì…kéo dài mãi sẽ bất lợi. Cộng sản nó sẽ len lỏi vô.

Tổng thống Diệm trầm ngâm. Vẻ mặt ông có vẻ lao lung lắm. Trong căn phòng quen thuộc ấy chỉ có ông Ngô Đình Thuần, bác sĩ Tuyến. Bẵng đi một dạo đã năm bảy tháng trời bác sĩ Tuyến mới vào dinh gặp Tổng thống cùng mục đích như ông Thuần. Tổng thống Diệm quay sang hỏi bác sĩ Tuyến:

– Ý anh thế nào?

Bác sĩ Tuyến trình bày thẳng vấn đề và những lợi hại của nó. Tổng thống yên lặng chừng năm bảy phút. Sau đó, bác sĩ Tuyến đưa ra đề nghị:

– Chính phủ nên chính thức cử người đại diện để nói chuyện trực tiếp với họ.

Tổng thống Diệm hỏi:

– Ai có thể đại diện cho Chính phủ? ôngThuần làm đi?

Ông Ngô Đình Thuần từ hồi nãy giờ vẫn ngồi yên im lặng.

– Để gìữ thể thống cho bên Phật giáo và cũng là cách tạo thông cảm dễ dàng cho việc thu xếp xin đề cử một người nào đó bề thế đại diện cho Tổng thống.

Tổng thống Diệm băn khoăn:

– Ai đại diện được bây giờ?

Ông Nguyễn Đình Thuần:

– Tôi thấy chỉ có Phó Tổng thống Thơ là có thể đủ uy tín để đại diện cụ.

Tổng thống Diệm đồng ý ngay:

– Ừ, ông Phó được đấy. Ông ( tức ông Thuần) cũng phụ vào.

Bác sĩ Tuyến trình bày qua một vài phương thức thành lập một Uỷ ban hoà giải. Tổng thống Diệm lại hỏi:

– Ai nữa chứ, chỉ có một ông Phó thôi à?

Đến đây thì bác sĩ Tuyến cũng như ông Thuần đều không dám đưa ra ý kiến đề cử ai. Tổng thống Diệm cũng như hai ông đều yên lặng lo âu đến 10 phút. Ông Tổng thống cũng không tự ý cắt cử ai.

Tổng thống Diệm bấm chuông gọi ông Ngô Đình Nhu qua để tham khảo ý kiến rồi cùng quyết định.

Vẫn một vẻ “lừng khừng” muôn thuở. Ông Nhu vào phòng Tổng thống hút thuốc lá, vẫn yên lặng. Tổng thống Diệm hỏi:

– Chú nghĩ sao về việc này?

Ông Nhu thủng thẳng đáp:

– Như thế cũng đuợc?

Tổng thống Diệm lại hỏi:

– Có ông Phó còn phải kiếm thêm ai nữa chớ?

Ông Nhu vẫn yên lặng, mãi một lúc lâu ông mới đáp:

– Việc này thuộc Bộ Nội Vụ thì đặt ông nội vụ vô.

Tổng thống Diệm đồng ý ngay. Thế là thành phần đại diện Chính phủ đã có ba người. Ông Phó Tổng thống Thơ, ông Nguyễn Đình Thuần và ông Bùi Văn Lương. Trong lúc đang bàn tính thì ông Nguyễn Đình Thuần được báo tin là Phó Đại sứ Mỹ xin gặp rất gấp. Đó là ông Phó Đại sứ Truhert. Vì Đại sứ Nolting đi vắng nên ông Phó thay mặt chuyển giao đến Chính phủ Việt Nam Cộng hoà 1 bức công điện của Chính phủ Hoa Kỳ. Bức công điện đó cho biết dư luận bên Mỹ rất bất lợi cho Việt Nam Cộng hòa và gây khó khăn cho Chính phủ Mỹ qua vụ Phật giáo cho nên Chính phủ Mỹ hối thúc Chính phủ Việt Nam Cộng hoà phải sớm giải quyết cho xong cơn khủng hoảng này.

Ông Thuần trở vào phòng, trình Tổng thống bức công điện kể trên. Đọc xong vẻ mặt ông Tổng thống trở nên đăm chiêu. Mọi người lại trở về vấn đề cũ để quyết định thành lập một Uỷ ban đại diện Chính phủ nói chuyện với Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo.

Ông Thuần với tư cách Bộ trưởng Phủ Tổng thống lo trách nhiệm thảo các văn kiện chính thức liên quan đến việc thành lập uỷ ban Liên bộ này.

Về phía chính quyền như vậy đã xong. Bây giờ là đến tìm cách nào để đưa mấy thầy từ Huế vào để nói chuyện với chính quyền trong Uỷ ban Liên phái. Bác sĩ Tuyến đã trình bày những lợi điểm của việc này như sau: 1) Đưa mấy thày chùa Từ Đàm vào đây để thương nghị với Chính phủ trên một cấp bậc cao nhất (qua Phó Thơ) tức là xoa dịu tự ái địa phương của mấy thầy. 2) Huế mới là trung tâm của biến cố, nếu chữa được tận gốc thì mọi sự sẽ êm. 3) Mấy Thượng tọa như Thích Trí Quang, Thiện Minh được coi là thành phần nòng cốt của Tổng hội Phật giáo miền Trung. Khi đưa mấy Thượng tọa đó vào Sài Gòn tức là đã biệt lập được mấy Thượng tọa chủ chốt đó với quần chúng Phật tử.

Nhưng ai đi tiếp xúc cho tiện. Nhân vật này thật quan trọng vì phải hội đủ nhiều điều kiện mới có thể thành công trong sứ mạng. Tổng thống và ông Nhu dể tuỳ bác sĩ Tuyến và ông Thuần lựa chọn, bác sĩ Trần Kim Tuyến đề nghị bác sĩ Trương Khuê Quan và ông trình bày với Tổng thống và ông Nhu: “Ông Quan quen biết nhiều phía ngoài đó. Ông lại thuộc Bộ Quốc phòng nên mọi sự đi lại, di chuyển dễ dàng hơn mà lại không ai để ý”.

Đề nghị này được chấp thuận và sau đó ông Nguyễn Đình Thuần ký lệnh để bác sĩ Trương Khuê Quan ra Huế tiếp xúc với chùa Từ Đàm. Tổng thống Diệm thoả mãn với quyết định này lắm. Theo Lương Khải Minh, nếu không có những ngộ nhận và những cái vụn vặt tạo ra ngộ nhận và một vài “tai nạn” đáng tiếc thì Uỷ ban Liên bộ đã thành công và vụ Phật giáo không đến nỗi nổ to như vậy. Nhưng lịch sử chuyển vần lại không có chữ “nếu”, nếu như thế này, nếu như thế kia, những chữ nếu đó đều ở bên lề biến cố lịch sử. Nếu lịch sử là một sự tái diễn không ngừng thì người đời sau có thể suy ngẫm rất nhiều và có ích rất nhiều khi đặt mình vào lịch sử đã qua để tự vấn “nếu như thế…nếu như thế ta sẽ phải làm như thế nào”.

Bước qua năm 1963, thế lực Mỹ mỗi ngày một lớn thì đồng thời uy thế của các tướng tá Việt Nam Cộng hòa lúc ấy cũng bắt đầu lớn dần, tham vọng cũng không nhỏ và bắt đầu hướng qua một chân trời mới lạ khác, tức chính trị. Khi một số tướng tá đã có tham vọng chính trị thì tình trạng càng rối loạn, càng kéo dài bao nhiêu càng là một cơ hội tốt nhất để họ nhẩy vào vòng. Lịch sử năm 1963 đã chứng minh như vậy và lịch sử còn tái diễn nhiều lần như vậy nữa khi mà xứ sở này còn bị mê hoặc bởi thứ dân chủ loè loẹt son phấn.

Lúc bấy giờ, phía toà Đại sứ Mỹ, Đại sứ Nolting hoàn toàn ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm. Ông giữ vững lập trường là không thể lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm trong hoàn cảnh sôi động lúc bấy giờ. Phái đoàn Anh Quốc của Robert Thompson (một nhà chiến lược về chiến tranh du kích) cũng giữ một lập trường ủng hộ tích cực chế độ Ngô Đình Diệm. Robert Thompson tin tưởng vào sự thành công của ấp chiến lược và ấp chiến đấu (nhất là ở vùng 2 và ở vùng 1). Đại tá Richarson, Trưởng phòng CIA cũng như Đại tướng Harkins (Tư lệnh MACV) đều là những người cùng lập trường như Đại sứ Nolting. Tuy nhiên một số viên chức khác bị chi phối bởi lập trường và thái độ của Harriman, Mac Namara, Hilsman đã không ngừng chống chế độ Ngô Đình Diệm và họ đã tìm cách móc nối với tướng lãnh, mua một số nhân vật Mỹ hoạt động chìm. Thí dụ như trục liên lạc Lu Coner và Trần Văn Đôn. ông Lu Coner vẫn thường bình phẩm chế độ Ngô Đình Diệm là độc tài, gia đình trị. Ông ta thúc đẩy thực hiện một chủ trương dân chủ hoá Việt Nam Cộng hòa- Việt Nam Cộng hòa phải có một thể chế dân chủ như nền dân chủ Hoa Kỳ.

Dạo ấy, các chính khách đối lập thật khó lòng liên lạc được với Mỹ vì không thể lọt qua dược cặp mắt của giới an ninh chìm nổi. Riêng các tướng tá được tự do gặp gỡ giới chức Mỹ mà ít ai lưu tâm, với lý do họ là những cố vấn về quân sự và an ninh.

Biến cố Phật giáo kéo dài trong một hoàn cảnh bất lợi cho chế độ Ngô Đình Diệm như vậy, cho nên, khi Tổng thống Diệm quyết định dàn xếp ngay thì mọi người đều tin tưởng là mọi chuyện sẽ êm đẹp. Nhưng bất trắc phi lý của lịch sử thì không một ai có thể ngờ tới.

Việc lựa chọn bác sĩ Trương Khuê Quan ra Huế tiếp xúc như vậy sẽ dễ dàng đạt được sự cảm thông tín nhiệm. Trong một biến cố thì phe tranh đấu ở đâu và ở thời nào cũng vậy không mấy khi tin tưởng nơi thiện chí của chính quyền.

Cho nên trước khi công khai dàn xếp thì phải có sự vận động dàn xếp ngầm. Người tiếp xúc vận động không thể là một ông Tổng Bộ trưởng và tuyệt đối không để cho mấy giới chức an ninh cảnh sát dính vào. Người đi tiếp xúc phải hội đủ 3 yếu tố: 1) Người của chính quyền (ở một địa vị lu mờ). 2) Phải có sự thâm tình tri giao với phe đối lập. 3) Phải có đức tính của người mai mối, nghĩa là khéo léo, linh động. Cuộc tiếp xúc diễn ra càng âm thầm bí mật càng dễ dàng có kết quả tốt. Bác sĩ Quan đã hội đủ được mấy yếu tố đó.

Về phía Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông tín tưởng mọi việc sẽ êm xuôi và trao trách nhiệm giải quyết cho bộ ba Thơ, Thuần, Lương đều là “cỡ nặng” của chính quyền.

Ông Ngô Đình Nhu không có một thái độ rõ rệt.

Nhưng bà Nhu bắt đầu hung hăng và tìm mọi cách nhẩy vào vòng. Qua những biến cố lớn như vụ Tướng Minh năm 1954, cuộc đảo chính 11-11-1960 bà Nhu tỏ ra một người có tài ứng biến mau lẹ và có nhiều sáng kiến tổ chức. Nhưng qua hai biến cố trước, bà Nhu vẫn trong bóng tối, nay thì bà tự cho là mình đã có lực lượng lớn, tức là Phong trào Phụ nữ Liên đới. Trên thực tế phong trào này hữu danh vô thực, nhưng với bà Nhu với lòng kiêu hãnh và thái độ nghênh ngang của bà thì Phụ nữ Liên đới là một đoàn thể mà chính quyền phải kiêng nể. Đoàn thể ấy phải có tiếng nói tham dự vào diễn tiến của lịch sử.

Trong một buổi họp vào trung tuần tháng 7-1963 (vào cuối tháng năm âm) Phong trào Liên đới với đầy đủ thành viên Ban Chấp hành Trung ương bà Nhu với lời nói “chanh chua” gay gắt cho rằng, nếu chính quyền nhượng bộ thoả mãn yêu sách của Phật giáo thì phong trào của bà cũng sẽ làm áp lực, đưa ra một số yêu sách buộc chính quyền phải thoả mãn và nhượng bộ. Trong phiên họp đó, bà Nhu chỉ trích gay gắt mấy nhà sư với những ngôn ngữ không được mềm mỏng.