Chương 2: Người sống và người chết

1 giờ 30, Sài Gòn ngái ngủ trong ánh nắng gay gắt. Từng loạt đạn nổ làm thức giấc dân đô thành. Tin đảo chính lan truyền trong dư luận từ mấy tháng nay bây giờ đã thành sự thực. Nhưng ai làm vụ này và rồi sẽ ra sao? Ai sẽ lãnh đạo? Những khuôn mặt lớn nào sẽ xuất hiện? Lúc ấy, dám chắc rằng không một ai có thể nghĩ Phó Tổng thống Thơ sẽ làm “Cách mạng”. Nhưng cũng không ai ngạc nhiên thấy Trung tướng Dương Văn Minh trở thành Chủ tịch Hội đồng Quân nhân cách mạng. Sáng ngày 2-2-1963 Sài Gòn bừng bừng trong khí thế vũ bão. Đường phố đông nghẹt những người…Thế là cáo chung một chế độ! 9 giờ 15, Đài phát thanh loan tin: “Anh em ông Diệm và ông Nhu đã tự tử”. Tại sao lại tự tử? Từng đoàn thanh niên nam nữ kéo nhau đi đập phá trụ sở Việt Tấn xã và 9 tờ báo được coi là thân chính quyền Ngô Đình Diệm. 26 trụ sở các hội đoàn được coi là của chính quyền cũng bị đập phá tan hoang. Tướng Dương Văn Minh trở nên một thần tượng mới. Tướng Đôn, Đính được suy tôn như các vị anh hùng lỗi lạc. Tư thất của một số nhân vật thuộc chế độ cũ cũng bị đám đông kéo đến đập phá. Thiệt hại nặng nề về tư thất là các ông Ngô Trọng Hiếu,Cao Xuân Vỹ. Chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung trước hết là do kết quả của những chùm mâu thuẫn nội bộ và sự góp công lật đổ chế độ của một số viên chức thư lại chỉ biết cúi đầu thi hành, không có một sáng kiến làm mới và xây dựng chế độ.

Anh đi đường anh tôi đường tôi

Sự xuất hiện của tướng Khánh trên chính trường miền Nam cùng với sự ủng hộ tích cực của Mỹ qua vai trò của Cabot Lodge cùng hai ông Minh, Thơ đã trở thành những người bạn tâm giao, thân thiết.

Ông Thơ, ông Minh cũng như tấm tình thân thiết đối với ông Ngô Trọng Hiếu và ông Huỳnh Hữu Nghĩa. Khi đảo chính thành công thì tứ tài tử chia làm hai ngả: ông Hiếu và ông Nghĩa rủ nhau vào khám Chí Hoà. ông Thơ và ông Minh lên đến hàng tột đỉnh “công danh”. Tại sao lại như vậy? Một lớp người từng lương cao bổng hậu của chế độ cũ song một phần thì nối tiếp nhau đi vào khám Chí Hoà, hay nếu không cũng bị vong gia bại sản. Còn một phần khác nối đuôi nhau tiến lên theo ngọn triều đổi ngôi, chẳng qua đó cũng chỉ là bức tranh “vân cẩu” muôn đời của thế sự. Những lý do nào đã khiến cho đôi bạn Thơ, Hiếu trong phút chốc kẻ được trọng hậu như một vì “bán anh hùng” còn người bị lên án như một hung thần “tay sai” của vợ chồng ông Nhu? Trước năm 1954, khi ông Thơ còn làm Tỉnh trưởng Long Xuyên, thì ông Hiếu làm Trưởng ty Ngân khố và hai người trở thành bạn tri giao thân thiết. Ngoài tướng Minh với ông Hiếu, ông Thơ còn một người bạn tâm giao khác là ông Huỳnh Hữu Nghĩa nguyên Bộ trưởng Lao động. Phút chốc thế sự đổi thay, anh đi đường anh tôi đi đường tôi… Ngô Trọng Hiếu sau khi ra tù, ở ngay trong một căn nhà bình dân trong xóm Thị Nghè, sáng chiều leo lên chiếc Vespa cũ gỉ để đi dạy học, vào lớp nói tiếng Tây, thả đàn ngâm Kiều, đọc Chinh phụ ngâm. Đêm đêm nằm vắt tay lên trán mà suy ngẫm trò đời. Cựu Phó Tổng thống Thơ từ ngày “thôi làm” Thủ tướng lui về vui thú trong cảnh toạ hưởng kỳ thành, lâu lâu đi Pháp một chuyến, đi Nhật một chuyến…Sự thực đối với chế độ cũ, Phó Tổng thống Thơ đã có công với rất nhiều người. Nhờ sự đề bạt của Thơ mà nhiều người có lương cao, bổng hậu, áo đạt lên Tổng thống Diệm (Chính phủ Ngô Đình Diệm thành lập ngày 7-7-1954, ông Nguyễn Ngọc Thơ đã đề nghị ông Ngô Trọng Hiếu là Tổng trưởng Thông tin nhưng có sự trục trặc nên ông Bùi Kiên Tín giữ chức vụ này). Chính ông Nguyễn Ngọc Thơ đã giới thiệu và vận động để Hiếu đi làm Đại diện Chính phủ tại Cămpuchia (hàng Đặc sứ). Sau này đôi bạn Hiếu, Thơ trở thành xa lạ nhau trước hết chỉ vì nguyên nhân: Hiếu được coi là người thân tín của Ngô Đình Nhu, còn Thơ lại được Tổng thống Diệm không những kính nể mà còn coi nhau như tình anh em. Ông Nguyễn Ngọc Thơ rất kiêng kỵ những ai được coi là “người” của ông Nhu. Tại sao như vậy? Báo chí ngoại quốc nói rằng tướng Minh bị ông Nhu ganh ghét và loại trừ. Điều đó có đúng không? ông Cố vấn Nhu đã nghĩ về tướng Minh như thế nào? Nhất là vai trò của Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ ra sao trong 9 năm của chế độ cũ và 3 tháng sau đảo chính?

Một công hầu

Sau ngày 1-2-1963, một số đông chính khách đã có bụng mừng thầm là phen này thế nào họ cũng được Hội đồng Quân nhân cách mạng chiếu cố. Cụ thể hơn là cố làm sao vận động cho mình và phe đảng mình được tướng lãnh và các “Thầy” đề bạt vào ghế nào đó trong Chính phủ mới, mà tướng Dương Văn Minh đang thăm dò để chọn một số vị “lương đống quốc gia” chèo lái con thuyền miền Nam Việt Nam trong một giai đoạn mới. Trong hai ngày 2 và 3-2 tướng Minh rất bận rộn và phải dành nhiều thì giờ tiếp xúc với một số chính khách có tên tuổi. Nhiều người được coi là có nhiều hy vọng được chỉ định làm Thủ tướng Chính phủ: Như Trần Văn Vân, Phan Huy Quát, Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Hương, Nguyễn Ngọc Thơ… Ai cũng tưởng Hội đồng Quân nhân cách mạng sẽ không bao giờ đề cử cựu phó Tổng thống Thơ làm Thủ tướng vì như vậy rất “khó coi” nếu xét về tình cảm và “không thể được” nếu xét về lý. Song như lịch sử đã diễn biến, cuối cùng chỉ có ông Nguyễn Ngọc Thơ được quân đảo chính lựa chọn. Nói là Hội đồng Quân nhân cách mạng lựa chọn chỉ là cách nói theo nguyên tắc và trên văn từ. Thực tế không phải như vậy.

Bàn tay phù thủy

Trước khi Đại sứ Cabot Lodge thừa lệnh Wasingtơn cho bật đèn xanh vào giờ H để các tướng lãnh bắt tay vào đại sự thì cũng là lúc, trục liên lạc Wasingtơn Sài Gòn bắt đầu hoạt động từng giờ từng phút. Công việc đảo chính đã trở thành “thứ yếu” Điều quan hệ nhất đối với Wasingtơn là tìm được người thừa kế Chính phủ Ngô Đình Diệm cho hợp tình hợp lý. Cái tình ở đây phải hiểu là hợp với “hảo ý” của giới chức Mỹ, phải được lòng “các thầy” trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo và đồng thời có thể làm cho đồng bào Thiên chúa giáo được an tâm. Ông Lodge vốn là “cao thủ” trong ngành ngoại giao Mỹ và từ lâu bị nghi ngờ có những hoạt động riêng cho cơ quan CIA. Tuy vậy ông ta luôn luôn tỏ ra tôn trọng những nguyên tắc ngoại giao. Từ sáng ngày 2 ông Lodge đã tiếp xúc rộng rãi với ngoại giao đoàn nhất là mấy vị Đại sứ vốn được coi là “Voix”1 có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ tại miền Nam Việt Nam và cả khu vực châu Á. Toà Đại sứ mà ông Lodge quan tâm nhất đó là các Đại sứ Anh, Đại sứ Nhật sau nữa là Toà Khâm sứ đại diện cho Toà thánh Vatican tại miền Nam Việt Nam. Dĩ nhiên là Toà Khâm sứ đã hoàn toàn dè dặt và chỉ cư xử với ông Lodge theo mức độ ngoại giao bình thường. Lúc đầu đã có một vài ứng cử viên được giới chức Mỹ lưu tâm và dùng làm trái ball nhỏ để thăm dò. Đó là giáo sư Vũ Văn Mẫu, cựu Ngoại trưởng của Tổng thống Diệm. Một vài người Mỹ thuộc phòng chính trị toà Đại sứ Mỹ, cho rằng ông Mẫu vừa có tiếng trong giới ngoại giao, vừa có thành tích đối với Phật giáo nhân vụ giáo sư Mẫu “xuống tóc” và qua Ấn Độ hành hương để gọi là phản đối Chính phủ về vụ Phật giáo. ông Mẫu lại là một luật gia tên tuổi khéo léo mềm mỏng. Tuy vậy, một vài người Mỹ không bằng lòng vì một điểm duy nhất: giáo sư Vũ Văn Mẫu là người di cư. Lập trường của ông Mẫu lại không rõ rệt, ông không được lòng tin cậy của Phật giáo, cũng như các nhà “lãnh đạo mới”, đồng thời một số người khác lại coi giáo sư Mẫu như một người có trách nhiệm về sự ám sát tinh thần (Assassinat Moral) đối với chế độ của Ngô Đình Diệm. Theo giới am tường chính sự tại Hội đồng Quân nhân cách mạng thì ngay các tướng lãnh cũng “lờ mờ” không biết ai sẽ được chỉ định làm tân Thủ tướng và nhiều vị tướng trong Hội đồng cho đến phút chót mới biết được tin ông Thơ được chỉ định. Trọn ngày 3-2, giới chức Mỹ vẫn chưa dứt khoát “khuyến cáo” tướng Minh trong việc chỉ định ai. Ngoại trưởng Dan Rusk cũng như Thứ trưởng Harriman dĩ nhiên trong cương vị của mình không thể bày tỏ ý định nào. Nhưng qua những cuộc đàm đạo với Đại sứ Lodge và một số chính khách họ cũng đã hiểu được rằng: Người Mỹ muốn có một Thủ tướng thuộc tư tưởng “ôn hoà trung dung”, được hiểu theo nghĩa thư lại bàn giấy. Giới chức Mỹ muốn được tiếp tục đều đặn như không có chuyện gì xảy ra, nghĩa là ông Diệm chết là chuyện riêng, còn chế độ của ông thì vẫn cần phải duy trì, miễn sao thuận với tình cảnh mới. Sau này, người ta cho rằng, Đại sứ Lodge bị Phật giáo cho vào mê hồn trận và xỏ mũi và đồng thời Mỹ cũng như Hội đồng Quân nhân cách mạng đã bị chi phối bởi áp lực rất mạnh mẽ của phái Phật giáo. Sự thực như thế này: Hội đồng quân nhân cách mạng có thể chịu sự chi phồi mạnh mẽ như vậy, song ông Đại sứ Lodge thì không. Cái vẻ bên ngoài thì Đại sứ Lodge nghiêng hẳn về phía Phật giáo của các Thượng toạ Tâm Châu và Trí Quang. Nhưng trong đường hướng mới của Mỹ, ông Lodge đã “lựa chọn” phía Phật giáo Nam Việt (Mai Thọ Truyền). Đơn giản vì Phật giáo Nam Việt trong quá khứ được coi là hiền hoà, không có những tham vọng chính trị, là một tập thể tương đối thuần về phương diện tôn giáo. Hơn nữa phía Phật giáo Nam Việt sau ngày 1/02/1963 đã tỏ ra dè dặt hay đúng hơn là tách khỏi các thầy Tâm Châu và Trí Quang. Trong chiến thuật giai đoạn thì Đại sứ Lodge phải đi với Phật giáo của các thượng toạ Tâm Châu và Trí Quang. Trong chiến lược và từ cục bộ đến toàn bộ, thì ông Lodge không thể sử dụng người của khối này trong tư thế Thủ tướng Chính phủ vì đây được coi là khởi điểm của lộ trình mới. Do lẽ đó, Đại sứ Lodge đã khuyến cáo tướng Minh nên tìm người này người nọ. ông Lodge rất khôn khéo không chỉ rõ đích danh ai nhưng với một số tiêu chuẩn nào đó tướng Minh có thể tìm ngay được vị Thủ tướng hợp với ý ông lại hợp với ý Đại sứ Mỹ.

Tuồng mới kép cũ

Người đó, như lịch sử đã ghi: Theo Hiến ước tạm thời số 1: tướng Minh với tư cách Quốc trưởng đã chỉ định ông Nguyễn Ngọc Thơ thành lập Chính phủ; Sắc lệnh lại do chính ông Nguyễn Ngọc Thơ ký đóng dấu. Thành phần gồm 14 Tổng Bộ trưởng chia ra 4 sắc thái rõ rệt: 1. Chuyên viên như kỹ sư Trần Ngọc Oánh, Phạm Hoàng Hồ, 2. Chính trị gia không “ưa” chế độ eũ (nhưng lại có ít nhiều liên lạc bí mật) là giáo sư Âu Trường Thanh, 3. Tướng lãnh gồm 3 vị được coi là thân cận của tướng Minh. 4. Còn lại là các vị thuộc chế độ cũ từng là then chốt trong guồng máy của chế độ đó (từng là Tổng thư ký Phủ Tổng thống như ông Nguyễn Thành Cung đến kỹ sư Trần Lê Quang là một chuyên viên được Tổng thống Diệm thương yêu và coi như người nhà. Một vài vị khác được coi là chế độ cũ nếu hiểu như một công chức và quân nhân của mọi triều đại). Những Tổng Bộ trưởng là người của chế độ cũ tuy được xài tạm, song trước hết phải là người của ông Thơ. Ông Thơ có thể chấp nhận một cách vui vẻ nếu cộng sự là “con cái” của Tổng thống Diệm song ông sẽ quay mặt đi và coi như kẻ đáng ghét nhất nếu ai đến với ông mà trước lại là con người được ông Ngô Đình Nhu tin cẩn trọng dụng. Đó cũng là đầu mối của tấn thảm kịch “của chế độ Ngô ĐìnhDiệm”.

Việc chỉ định ông Nguyễn Ngọc Thơ được làm Thủ tướng mặc dầu người Mỹ đã lượng tính được sự bất hợp tác của Phật giáo và các đảng phái, nhất là ông Thơ lại không thể tìm được cảm tình đối với đa số phật tử Hoà Hảo… Tất nhiên là Cao Đài cũng không ủng hộ. Biết như thế người Mỹ vẫn tiến hành và tích cực khuyến cáo tướng Minh. Bởi vì đơn giản là người Mỹ đã có sẵn một giải pháp mà ông Cabot Lodge đang bỏ túi. Tạm thời trong lúc chuyển tiếp phải có ông Thơ, cũng như khi “giải pháp ” ấy được ném ra tức là lúc tướng Nguyễn Khánh được đem lên diễn đàn thì ông Lodge vẫn phải khuyến cáo tích cực để tướng Minh đóng vai trò “tạm thời trong lúc chuyển tiếp”.

Chế độ Diệm không Diệm

Dù không được lòng ai, dù bị mang tiếng đã làm sống lại một chế độ ” Diệm không Diệm” song sự lựa chọn ông Thơ có nhiều cái hợp lý: 1- ôngThơ là bạn tri kỷ của tướng Minh. 2- ông Thơ đã quen việc trong 9 năm của chế độ cũ. 3- ông Thơ trước sau vẫn là Đốc phủ sứ với tất cả ý nghĩa của giới này trước năm 1945. ông Thơ dầu sao vẫn là một địa chủ nên người Mỹ có đủ yếu tố để tin tưởng vào lập trường địa chủ của ông, 4- ông Thơ tuy làm quan lại thời Pháp nhưng không phải là mẫu người được Pháp đào tạo từ truyền thống văn hoá Pháp như ông Ngô Đình Nhu hay kỹ sư Trần Văn Vân v.v.. Đó là điều mà người Mỹ rất ngại.

Có một dư luận trong chính giới thân Mỹ lúc ấy là: Nếu không có sự thảm sát anh em Tổng thống Diệm thì Đại sứ Trần Văn Chương đã trở về nước và ông có nhiều hy vọng là Thủ tướng. Song vì con rể ông bị ám sát, một nhạc gia tất nhiên không thể làm như vậy (đây chỉ là dư luận được tung ra để thăm dò tin tức vào lúc ấy. Cũng nên ghi thêm, ngày 28-10-1963 nguyên Đại sứ Trần Văn Chương đã lên tiếng công kích nặng nề chế độ Tổng thống Diệm và con rể ông).

Kể từ ngày 4-2, phe các tướng Minh, Đôn, Kim, Xuân, Đính trở thành ngũ hổ, song sự phân hoá trong Hội đồng Quân nhân cách mạng càng trở nên rõ rệt, mỗi bên đều đề cao cảnh giác. Một số các đơn vị tham dự đảo chính được điều động ra khỏi đô thành. Một số sĩ quan cấp tá như Phạm Ngọc Thảo bị theo dõi rất sát sao, Đại tá Đỗ Mậu được thăng Thiếu tướng, nhưng vô quyền (sau được bổ nhiệm là Tổng lãnh sự miền Nam Việt Nam tại Hồng Công).

Tuy mấy tướng lãnh như tướng Xuân, Đôn, Đính, Kim… đang có thực quyền sinh sát song sự hiện diện của một vài tướng lãnh cũng như sự xuất hiện của cựu Trung tá Trần Đình Lan đã làm cho giới chức Mỹ không hài lòng. Người Mỹ không những “kỵ” văn hoá Pháp mà “kỵ” cả những ai bị nghi ngờ “người của Pháp”. Như thế ta cũng hiểu được rằng, trong lúc mà Mỹ tin tưởng sẽ chiến thắng Cộng sản bằng con đường và nhận thức của Mỹ, thì ở đây, Mỹ có thể chấp nhận Cộng sản nằm vùng (nếu sự nằm vùng có lợi thế về phía Mỹ) song không thể chấp nhận sự hiện diện và thao túng của Phòng Nhì cũng như các tay phản gián Pháp.

Đó cũng là lý do khiến Trần Đình Lan cũng như Vương Văn Đông đã phải cuốn gói ra đi mặc dù hai người này đã có thành tích “diệt Cộng” khét tiếng những năm 1954 (Thực ra thì cơ quan CIA Mỹ cũng biết rõ rằng, Trần Đình Lan hay Vương Văn Đông sẽ không làm nên trò trống gì nhưng họ lại dùng hai sĩ quan thân Pháp này như một bằng chứng cho “hồ sơ” được gọi là trung lập của bộ ba Minh, Kim, Xuân và bằng chứng đó là một phần “luận cứ” để biện minh cho cuộc chỉnh lý của tướng Khánh).

Bàn tay móc nối

Khi Phó Tổng thống Thơ được chỉ định làm Thủ tướng và thành lập Chính phủ, đồng thời là lúc các đảng phái, Phật giáo cũng tiêu tan hy vọng mà họ vẫn hướng về Hội đồng Quân nhân cách mạng, coi như đấy là nơi sẽ có nhiều phép lạ xây dựng cơ đồ cho Việt Nam.

Thủ tướng Thơ trả lời báo chí là Thủ tướng đã có ý định từ chức Phó Tổng thống từ dạo tháng 9 tháng 10… nhưng Trung tướng Dương Văn Minh cản ngăn (?) vì sợ hỏng chuyện. Thủ tướng Thơ cũng cho biết ông có biết những kế hoạch lật đổ Tổng thống Diệm. Sau này, một vài người bạn rất thân của Thơ cho rằng, đó chỉ là cách Thơ biện minh cho sự hiện diện của mình khi được “cách mạng” trọng dụng. Sự thực, trước ngày 1-2-1963 kể cả bạn bè thân của Phó Tổng thống Thơ chưa bao giờ thấy ông ngỏ ý từ chức Phó Tổng thống, ông Thơ chỉ thực sự bị buộc từ chức Phó Tổng thống khi cuộc đảo chính thành công. Vai trò của ông Nguyễn Ngọc Thơ đã liên hệ như thế nào đối với Tổng thống Diệm và Trung tướng Dương Văn Minh sau này? Trước hết, tướng Minh khi còn là Trung tá đã được ông Nguyễn Ngọc Thơ đề đạt với Tổng thống Ngô Đình Diệm (1954)và cũng nhờ sự đề đạt của ông Thơ nên ông Diệm đã một thời hoàn toàn tin cậy tướng Minh. Khi Diệm còn hoạt động ở trong bóng tối, Huỳnh Hữu Nghĩa được coi là “cán bộ ” giao liên tin cẩn. Chính ông Nghĩa đã có công “móc nối”giữa anh em Tổng thống Diệm và Trung tướng Trịnh Minh Thế. Đồng thời Tổng thống Ngô Đình Diệm quen biết Thơ lại là người móc nối Trung tá Dương Văn Minh (1954) với Diệm. Đó cũng là cái”vòng vo thân hữu” trong giới chính trị miền Nam. Nhờ cái “vòng vo thân hữu” đó, nhiều khi không cần tài cho lắm, song nếu có anh em đưa đẩy đề đạt thì vấn đề tạo lập công danh kể như chuyện đi du ngoạn lại trúng số mà thôi.

Địa phương

Khi Ngô Đình Diệm về nước chấp chính, có hai vấn đề mà Diệm quan tâm bậc nhất về phương diện nội bộ: 1-Yếu tố nhân sự và vấn đề nhân sự miền Nam. 2- Thành phần lãnh đạo trong quân đội. Ngô Đình Nhu mấy năm đầu vẫn quan niệm dứt khoát rằng: Bắc-Nam –Trung không thành vấn đề. Điều quan trọng họ có làm được việc không. Song Diệm tế nhị hơn ông em điều này: “Phải dùng người sinh quán tại miền Nam ít nhất cũng phải theo một tỷ lệ tương đối so với dân số nam phần”. Cũng bởi lý do đó, ngay từ buổi đầu, ông Nguyễn Ngọc Thơ đã được Tổng thống Diệm lưu tâm đặc biệt ông Thơ lại có một quá khứ “hành chánh” hợp với nhãn giới của Diệm vì Thơ là một Đốc phủ sứ.

Theo quan niệm của Diệm thì đó là một giới “biết việc” cho nên không chỉ một Đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ được trọng dụng mà nhiều Đốc phủ sứ được Diệm đặc biệt cất nhắc, như trường hợp Đốc phủ sứ Hải, Đốc phủ sứ Công. Ngô Đình Diệm lại dùng Thơ như một tâm điểm để móc nối với hàng ngũ quan lại và địa chủ lại miền Nam. Trong hai năm đầu (1954-1956) Thơ đã thành công trong nhiệm vụ này. Uy tín của Thơ đối với Diệm ngày càng vững chắc, nhất là Thơ được coi như người có công lớn trong vụ tướng Hoà Hảo Ba Cụt cùng các vụ dàn xếp với mấy nhóm Hoà Hảo khác2. Trong chế độ Ngô Đình Diệm có hai người được Diệm kính nể đó là Vũ Văn Mẫu và Nguyễn Ngọc Thơ.

Riêng ông Thơ, Diệm thường xưng hô là “Ngài”. Diệm thường nói với Thơ đại khái như: ” Ngài thấy thế nào… Ngài đi thế tôi giùm việc này…” Trong những lúc không có mặt Thơ, ông Diệm vẫn thường: Một tiếng Phó Tổng thống, hai tiếng Phó Tổng thống. Cụ Phó như thế, Ngài như vậy. Rất ít khi Tổng thống Diệm gọi Thơ bằng “ông”.

Về phía quân đội, khi về nước chấp chánh, Diệm coi như “tay trắng” không – có một tên quân, không có một tướng tá nào được coi là “người của mình”..Trong lúc hoàn toàn thiếu người tin cẩn trong giới quân sự, Nguyễn Ngọc Thơ đã đề đạt Trung tá Dương Văn Minh. Tất nhiên là Diệm rất hoan hỉ chấp nhận. Từ đó Trung tá Minh được coi là sĩ quan cấp tá được Diệm yêu mến tin cẩn nhất. Trung tá Minh lần lượt được trao phó các chức vụ quan trọng như Tư lệnh chiến dịch Rừng Sát và Chiến dịch bình định tại miền Tây. Diệm vẫn thường coi tướng Minh là một thứ ” homme de bataille”… Sau vụ chiến thắng Rừng Sát, Đại tá Minh dẫn đầu đoàn quán tiến về Sài Gòn đi trên đại lộ Catinat rồi về dinh Độc lập… trước bao nhiêu tiếng hoan hô vang dậy. Báo chí lại được dịp thổi phồng, tán dương rất bay bướm. Tổng thống Ngô Đình Diệm buổi sáng hôm ấy đã đứng sẵn ở thềm dinh Độc Lập để dón mừng “Người anh hùng Rừng Sát”. Sau này Diệm thăng Đại tá Minh lên Thiếu tướng.

Tướng không quân

Xét về hai con người, thì một Phó Tổng thống Thơ và hai là tướng Dương Văn Minh, thì tướng Minh được Tổng thống Diệm trọng hậu ngay từ buổi đầu và nổi bật một cách dễ dàng. Minh trở thành ngôi sao sáng trong hàng tướng tá kể từ đầu năm 1955. Còn Thơ phải đợi đến năm 1956 mới được bổ nhậm Phó Tổng thống, mặc dầu đã tham gia Chính phủ đầu tiên của Tổng thống Diệm với tư cách Bộ trưởng Nội vụ (7-7-1954) song vai trò của Thơ còn lu mờ và chỉ như một viên chức phụ tá Thủ tướng. Tướng Minh càng ngày càng được Tổng thống Diệm tín nhiệm và yêu mến nhờ hội đủ được mấy điều kiện mà Diệm cho là xứng đáng theo hai tiêu chuẩn.

1. Tướng Minh có vóc dáng một tướng lãnh đường hoàng.

2. Tướng Minh không có những vụ lem nhem về vấn đề “vợ nọ con kia hay bài bạc”. Hơn nữa, do sự kính mến Thơ nên Diệm cũng mến trọng Minh.

Khi thành lập Bộ Tư lệnh hành quân Minh được chỉ định là Tư lệnh, lúc ấy Minh đã đeo ba sao và nguyên là Tư lệnh Quân khu Thủ đô3. Giới thân cận với Diệm cho rằng Diệm đặc biệt lưu tâm đến Bộ Tư lệnh hành quân nên đề cử tướng Minh. Diệm coi đó là một tín nhiệm đặc biệt. Diệm rất mù mờ về lĩnh vực quân sự, hai tiếng “hành quân” đối với Diệm là một sự trọng đại. Khi chỉ định tướng Minh, Diệm đã cho rằng: Chỉ có tướng Minh mới xứng đáng, vì Tổng thống vẫn cho rằng tướng Minh là một “homme de bataile”.

Tuy vậy, tướng Minh lại không mấy ham ở chức vụ “không quân” này.

Tướng Minh thường tỏ ra không thiện ý với vị Trung tướng Tư lệnh Quân khu Thủ đô (trước ngày 11-2-1960). Tướng Minh vẫn phê bình công khai viên Trung tướng này “nhảy dù – đi tắt”..

Trước vụ 2-2-1960, chế độ cũ không hề thắc mắc tướng Mình, vì coi ông như người thân tín của “ông Diệm”. Nhưng sau ngày 2-2-1960, vì tướng Minh tuyên bố đứng trung lập giữa chính quyền và phe đảo chánh4) rồi lại có báo cáo là trước ngày đảo chính tướng Đôn có vào Sài Gòn và gặp tướng Minh cũng như tướng Kim ở ngay Bộ Tư lệnh Hải quân, đó cũng là một lý do làm tướng Minh xa dần chế độ.

Nước với lửa

Giữa tướng Minh và ông Ngô Đình Nhu ít có sự liên lạc. Người thân cận nhất của Ngô Đình Nhu hiểu rõ hơn ai hết là Nhu để ý tướng Minh qua một vài biến cố quan trọng, như vụ Rừng Sát, chiến dịch thanh toán các lực lượng võ trang Hoà Hảo, vụ đảo chính hụt 2-2-1960, mặc dù Nhu có đọc trên báo Journal Extrême Orient thấy tường thuật tướng Minh tuyên bố “Je reste neutre” Nhu cũng làm thinh. Thực ra thì Nhu không để ý đến tướng Minh. Vì có “máu say” chính trị nên tướng lãnh như tướng Minh dưới mắt ông cũng chỉ là nhà quân sự bình thường. Nhu cho rằng tướng Minh có tài chiến đấu nhưng ở một mức nào thôi chứ không phải là một chiến lược gia quân sự. Nhu bắt đầu để ý tướng Minh kể từ tháng 9/1963, khi có những tin đồn về một cuộc đảo chính của tướng lãnh.

Nhưng tại sao tướng Minh lại “kỵ” ông Nhu và cho rằng ông Nhu “ghen ghét” với mình? Theo báo chí có một phần lý do thầm kín như thế này: Sau vụ thanh toán Bình Xuyên tại Sài Gòn và Rừng Sát, dân chúng loan truyền “huyền thoại” nhằm suy tôn tướng Minh, là tướng Minh tịch thu được bao nhiêu vàng bạc đều đem nộp cho Tổng thống. Lại có một nguồn tin khác trong giới chỉ huy quân sự tại Sài Gòn dạo ấy là, khi tướng Minh là Tư lệnh hành quân đi dẹp Bình Xuyên, tịch thu được rất nhiều “bao bố” giấy bạc. Nhiều bao bạc bị rơi xuống nước nên ướt đẫm. Số giấy bạc này được mang về phơi khô và “ủi” cho phẳng phiu ngay tại dinh Tỉnh trưởng Chợ lớn.

Sau đó, không hiểu được đem đi đâu và chia phần cho những ai? Có điều rõ rệt là chính quyền hồi đó không nhận được một đồng xu nào trong số bạc lớn này nếu có. Tuy vậy, chính quyền cũng không thấy lên tiếng về vụ tướng Minh đem nộp vàng bạc của Bình Xuyên cho Tổng thống Diệm cũng như số bạc lớn trên đây nếu có thì bỏ vào túi riêng của những ai? Phải chăng vì thế mà có sự tránh né.

Một lý do khác nữa khiến tướng Minh “kỵ” ông Nhu, đơn giản vì Phó Tổng thống Thơ cũng “kỵ” ông Nhu. Tuy được Tổng thống Diệm kính nể song Thơ lại tỏ ra không hài lòng với ông Nhu. Thường ngày, Thơ vẫn phải vào dinh nhưng chỉ vào thẳng văn phòng Tổng thống, đệ trình công việc có khi hàng tháng mới gặp ông Nhu một lần và hai người cũng chỉ trao đổi vài câu thăm hỏi xã giao. Ông Nhu thì cho rằng Thơ không biết gì về chính trị và cái khả năng hành chánh của Thơ cũng đã quá lỗi thời.

Nhưng ông anh kính mến Thơ thì ông em cũng phải kính mến… Dưới mắt ông Nhu, Phó Tổng thống Thơ cũng là người “được việc”, nhất là chịu khó đại diện cho Tổng thống trong các buổi hội hè, lễ nghi. Sự thực Nhu không bao giờ hỏi han Phó Tổng thống Thơ về các việc chính trị, Nhu cho rằng Thơ không có khả năng trong lãnh vực này. Ông Nhu không ghét ông Thơ trái lại tỏ ra có thiện cảm, nhất là ông Thơ lại khôn khéo và luôn luôn tỏ ra khiêm tốn bình dị (Tuy là Phó Tổng thống nhưng mỗi lần Thơ đi đâu đều im lìm… không kèn trống ồn ào, không cả xe hộ tống, ông lại có thói quen ngồi cạnh bên tài xế).

Vào năm 1957, khi tiễn chân Tổng thống Diệm đi công du tại Mỹ, Phó Tổng thống Thơ gặp ông Nhu tại Phi trường Tân Sơn Nhất đã nói nhỏ với ông Nhu: “Tôi không hiểu tại sao ông bác sĩ Tuyến cứ cho người theo dõi tôi hoài”. Mấy hôm sau, ông Nhu nói lại việc đó với Tuyến “Làm thế nào mà ông Phó Tổng thống lại phàn nàn như vậy”. Bác sĩ Tuyến rất đỗi ngạc nhiên vì không cử người làm việc đó. Và cũng không nghĩ đến làm việc đó.

Tới lui đúng lúc

Ông Nguyễn Ngọc Thơ đã có một hành động hết sức đẹp trong dịp cải tổ Chính phủ ngày 24-9-1954 (với sự tham gia rộng rãi của các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo) hành động đó như sau: ông Thơ nguyên Tỉnh trưởng Long Xuyên vốn là khu vực được coi như lãnh thổ của Hoà Hảo, giáo phái này đã từ lâu tỏ ra “thiếu thân thiện”, nếu không nói là hiềm khích đối với ông Thơ. Sau khi trở thành Bộ trưởng Nội vụ của Chính phủ Ngô Đình Diệm, ông Thơ lại càng bị Hoà Hảo nghi ngờ. Trong lần cải tổ Chính phủ vào tháng 9 kể trên, phe Hoà Hảo Trần văn Soái “lên tiếng” với Ngô Đình Nhu rằng: Họ chỉ tham gia Chính phủ với điều kiện này điều kiện kia trong đó có điều kiện không chấp nhận sự có mặt của Thơ trong thành phần nội các mới.

Tổng thống Ngô Đình Diệm phản đối với lý do, từ ngày ông Thơ lên làm Bộ trưởng Nội vụ cho đến lúc ấy, chưa có một lầm lỗi nào, trái lại ông đã làm việc một cách tận tâm đắc lực. Ngô Đình Diệm nhất quyết không nhượng bộ phe Trần Văn Soái về điểm này. Khi hai bên Chính phủ và Hoà Hảo còn đang tranh cãi, ông Thơ biết sự việc này, chính ông nói với Diệm xin tự ý rút lui để Diệm xử trí với phe Hoà Hảo.

Vì biết phe Hoà Hảo coi Thơ như kẻ thù, Ngô Đình Diệm tìm cách để Thơ “vắng mặt” một thời gian, đó cũng là ý muốn của ông. Vì vậy, Thơ được bổ nhiệm làm Đại sứ cho Chính phủ miền Nam Việt Nam của Ngô Đình Diệm tại Nhật Bản. Vào tháng 4-1955 sau khi Chính phủ Liên hiệp quốc gia tan vỡ, Trần Văn Soái, Lương Trọng Tường từ chức…Hoà Hảo chống lại Chính phủ Ngô Đình Diệm và miền Tây mịt mờ khói lửa, ông Đại sứ Nguyễn Ngọc Thơ được gọi về nước, vẫn giữ nguyên chức vụ Đại sứ, song ông được Tổng thống Diệm giao cho nhiệm vụ đặc biệt là giải quyết tất cả những vấn đề chính trị tại miền Tây. ông Thơ được coi là đại diện Thủ tướng Chính phủ Ngô Đình Diệm trong việc kiểm soát chiến dịch bình định và thu xếp vụ Hoà Hảo.

Sau khi vụ Hoà Hảo được coi như là thanh toán xong, ông Thơ trở lại Nhật, đó cũng là ý muốn của ông.

Thực ra thì ông Thơ muốn “làm mờ” vai trò của mình trong vụ Hoà Hảo nhất là vụ bắt tướng Hoà Hảo Lê Quang Vinh mà ông Thơ là người có trách nhiệm. Ông trở lại Nhật mặc dù Diệm có ý giữ ông ở lại nước nhận một chức vụ quan trọng hơn.

Ngày trở về

Tháng 3-1956, tướng Hoà Hảo Trần Văn Soái hợp tác với Chính phủ, tướng Dương Văn Minh họp báo nói về trường hợp quy thuận này, chiến dịch miền Tây được coi như kết thúc. Tướng Minh cho biết, trong chiến dịch Hoàng Diệu, Soái đã tịch thu được 20 ki lô vàng, 16,5 triệu tiền mặt, số tiền này Soái đem nộp cho Chính phủ và dùng xây cất một Cô nhi viện. Đồng thời 56 sĩ quan và binh sĩ Hoà Hảo đã về hợp tác với Chính phủ trong một buổi lễ tại Cái Vồn (8-3-1956). Vấn đề Hoà Hảo miền Tây coi như xong. ông Nguyễn Ngọc Thơ lúc ấy mới công khai tham chánh và được bổ nhiệm là Bộ trưởng Kinh tế thay thế Trần Văn Mẹo (16-5-1956).


  1. Có tiếng, nổi tiếng 

  2. Nhóm Hòa Hảo Trần Văn Soái tự Năm Lửa, Lâm Thành Nguyên, Nguyễn Giác Ngộ 

  3. Tức Sài Gòn 

  4. Báo Joumal Extrême Orent (13-11-1960