Chương 3: Người sống và người chết (tt)

Tuy hai ông Diệm, Nhu muốn Thơ nắm Bộ Nội vụ vì Diệm coi đó là sở trường của ông Thơ, nhưng ông Thơ không nhận, chỉ thích Bộ kinh tế từ đó Thơ chính thức trở thành người của chế độ Diệm. Trong buổi tiếp tân vào tối ngày 26-10-1955, Thơ xuất hiện bên cạnh Tổng thống Diệm với tư cách Phó Tổng thống. Buổi tiếp tân hôm ấy,trong bộ nhưng phục mới của cấp tướng, Thiếu tướng Minh được mọi người chú ý đặc biệt, vì ông đã trở thành “con cưng” của chế độ Ngô Đình Diệm và đang được Tổng thống thương yêu. Bạn bè của Phó Tổng thống cũng lên vù vù từ đó.

Nỗi buồn nho nhỏ

Vì không mấy khi được ông Nhu tham khảo về chính sự, Phó Tổng thống Thơ mỗi ngày càng xa cách ông Nhu với mặc cảm rằng, ông Nhu chỉ là một Cố vấn. Đối với công quyền, ông không có một quyền hành nào, vì cố vấn không phải là một “titre oflciel”1, phó Tổng thống Thơ mới là nhân vật số 2. Do đó ông phải hơn ông Nhu và sẽ không cần biết ông Nhu, chỉ cần biết Tổng thống. Tuy vậy, mỗi lần gặp ông Nhu, Phó Tổng thống Thơ vẫn mềm mỏng, khôn khéo và tỏ ra rụt rè. Tuy bên trong, có lẽ Phó Tổng thống Thơ vẫn không được hài lòng do một số những bất mãn nào đó, có khi chỉ là chuyện rất tầm thường.Thí dụ như vụ Thiếu tá Đỗ Kiến Nhiễu, Tỉnh trưởng Long Xuyên (1957). Thiếu tá Nhiễu được coi như người thân của gia đình Phó Tổng thống Thơ và được ông Thơ đề bạt làm Tỉnh trưởng nơi quê hương mình. Ông Nhiễu làm Tỉnh trưởng tỉnh này đã khá lâu. Sau vì một vụ “xì-căng-đan-tình-ái” Nhiễu bị mất chức, vì xì-căng-đan này đã làm sôi nổi dư luận miền Tây. Sự vụ là: Một sĩ quan cao cấp của Hoà Hảo bị bắt, ông ta có một cô vợ trẻ khá nhan sắc…Nghe đâu trong một dịp ông Nhiễu gặp mặt, mụ này đã làm ầm lên, gây xì-căng-đan lớn…không hiểu trong vụ này Hoà Hảo có âm ưu hạ uy tín ông Nhiễu hay không?

Ông bị thuyên chuyển và Thiếu tá Nguyễn Văn Minh được thay thế, Thiếu tá Minh là một sĩ quan trẻ, cũng có ít nhiều liên hệ với Phó Tổng thống Thơ. Trước khi làm Tỉnh trưởng Long Xuyên, Minh là Thanh tra Bảo an tại mấy tỉnh vùng Hậu Giang. Sau vụ này, Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ tỏ ra phiền muộn không ít. Thiếu tá Minh bị “phe” của Thơ nghi ngờ là người của ông Nhu. Đó cũng là lý do sau ngày 1-2-1963 Nguyễn Văn Minh bị “hành hạ” khá nhiều trước khi đi làm Tư lệnh sư đoàn 21 đặc biệt (1966).

Còn một chuyện “phiền muộn” khác nữa là năm 1957 Thiếu tá Nhan Minh Trang bị mất chức Tỉnh trưởng Rạch Giá. Phó Tổng thống Thơ không nói ra nhưng coi đó như một điều phiền muộn.

Thiếu tá Trang gọi Phó Tổng thống Thơ là “dượng ruột” (sau đảo chính được thăng Đại tá và từng là Chánh văn phòng của Thủ tướng Thơ, sau làm Tỉnh trưởng Gia Định). Về vụ này, chính đương sự là Thiếu tá Trang không lấy gì làm bất mãn, vì lỗi không do ông mà do sự “lem nhem” của ông Trưởng ty Quan thuế và sự không khéo của chính quyền khi lựa chọn người thay thế, đã không hỏi ý Phó Tổng thống Thơ, vì Thơ vẫn cho rằng mình rất am tường dân miền Tây, nhất là 3 tỉnh Châu Đốc, Rạch Giá, Long Xuyên. Đó cũng là một điều làm Thơ không hài lòng, chính quyền hồi đó đã không hiểu tâm lý dân địa phương, nên thay vì bổ nhiệm một Tỉnh trưởng sinh trưởng tại miền Tây thì lại cử Trung tá Hoàng Lạc là người Bắc di cư. Kinh nghiệm cho biết phàm những tỉnh miền Đông hay miền Tây đã có một sắc thái đặc biệt thì chính quyền không bao giờ được bổ nhiệm một ông Tỉnh trưởng là người Bắc hay người Trung.Có thể chính quyền hồi đó cho rằng Rạch Giá với khu định cư Cái Sắn phải gắn bó chặt chẽ với khối dân định cư thì Tỉnh trưởng là người Bắc sẽ thuận tiện hơn. Cũng cần phải ghi nhận: Thiếu tá Nhan Minh Trang rất có công lao trong sự thành lập khu dinh điền Cái Sắn.

Dù vậy đã tạo nên một số ngộ nhận, nhất là Trung tá Lạc trước khi làm tỉnh trưởng lại là Tư lệnh một Lữ đoàn.

Ngồi chơi xơi nước

Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như vậy. Đối với ông Thơ Chính quyền “của ông” lại gây cho ông một sự hiểu lầm to lớn khác. Khi Chính phủ cải tổ ngày 28-5-196l, ông Thơ bị mất chức Bộ trưởng Kinh tế cho dù ông được nâng lên hàng Bộ trưởng Đặc nhiệm phối hợp phát triển kinh tế. Nhưng ông Thơ cho rằng chức đó chỉ “ngồi chơi xơi nước”… ông đã hoàn toàn mất thực quyền về kinh tế. Tại một quốc gia tiến bộ, và trong một chế độ tiến bộ thì người lãnh đạo phải là người hoạch định và phối hợp kế hoạch chứ không thể là người chỉ biết cúi đầu thi hành kế hoạch. Nhưng chậm tiến như miền Nam Việt Nam thì người “lãnh đạo” không chịu như vậy họ chỉ thích đóng vai trò “thừa hành” để được thượng cấp sai khiến.

Từ một tâm lý lãnh đạo như vậy, nên chức Bộ trưởng Đặc nhiệm phối hợp đã chả “nước nôi” gì. Hơn nữa, người thay ông Thơ lại quá trẻ tức ông Hoàng Khắc Thành (em kỹ sư Hoàng Kinh, tốt nghiệp cao học thương mại). Nhất là ông Thành lại thuộc giới khoa bảng, mới hồi hương.

Trong khi đó ông Thơ tuy là Đốc phủ sứ song không phải là dân khoa bảng, ông Thành lại là người Bắc và bị coi là chân tay của Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần. Ông Thành là người trẻ, có khả năng, tính tình thẳng thắn, nhưng lại vụng về trong thuật xử thế cho nên ông Thơ cho rằng ông Thành đi thẳng với phủ Tổng thống về mọi vấn đề kinh tế, qua mặt ông là phó tổng thống.

Nội các Đệ nhất Cộng hòa (đứng đầu là Ngô Đình Diệm và Nguyễn Ngọc Thơ)

Từ những sự kiện lặt vặt như vậy đã tạo cho Phó Tổng thống Thơ có mặc cảm bị tước đoạt quyền hành và cho rằng phe ông Nhu đã “chơi” mình.

Khi Thơ không còn làm Bộ trưởng Kinh tế thì ông Ngô Trọng Hiếu lại được cất nhắc lên làm Bộ trưởng Công dân vụ, một tay quán xuyến ba ngành Thanh niên, Thông tin và Công dân vụ (Thực tế chỉ có Công dân vụ). Ông Hiếu được coi là người của ông Nhu và mỗi ngày càng được chế độ Ngô Đình Diệm tin dùng. Có lẽ đó cũng là lý do khiến cho đôi bạn Thơ, Hiếu mỗi ngày càng thêm xa cách nhau.

Kể từ chiến dịch Rừng Sát uy tín của tướng Minh mỗi ngày một tăng lên trong Quân đội. Phải công nhận rằng. guồng máy tuyên truyền (Báo chí, Đài phát thanh) của chế độ cũ đã có công phát triển và hào quang hoá “anh hùng Rừng Sát”, nhất là từ đêm liên hoan tại vũ trường Pétrus Ký (1956). Các đoàn thể đã không tiếc lời ca tụng tướng Minh và các chiến binh Rừng Sát. Tướng Minh lại biết “tự làm vắng mặt mình” khi thấy cần, ít ồn ào và trầm lặng khó hiểu cho nên “huyền thoại Rừng Sát, miền Tây” lại càng có dịp thêu thùa hoa lá trong Quân đội, nhất là giới sĩ quan trẻ. Trước năm 1963, Tướng Minh cũng chỉ đủ dùng hàng ngày, không nghèo, không giầu đó là ưu điểm để tăng cường uy tín của ông trong giới trẻ.

Ngài ngoại trưởng

Như trên đã viết, nhiều tướng tá nhờ sự đề bạt của Phó Tổng thống Thơ nên suốt 9 năm cầm quyền của chế độ Ngô Đình Diệm đã được hưởng mũ áo xênh xang. Điển hình là ông Albert Nguyễn Cao.

Ông Cao khi là sĩ quan cấp uý từng là sĩ quan tuỳ viên của tướng Nguyễn Văn Hinh. Đáng lý ra khi tướng Hinh đại bại thì Cao cũng khó lòng tiến thân được. Nhưng rồi nhờ “uy thế” của ông Nguyễn Ngọc Thơ, Thiếu tá Cao từ trưởng khu dinh điền Cao nguyên leo lên Tỉnh uỷ trưởng dinh điền. Thời Nguyễn Khánh được phong Chuẩn tướng và là Đổng lý Văn phòng của tướng Khánh.

Bức tranh “vân cẩu” của thế sự đã diễn ra bao nhiêu “hình thù”, trong hào quang một phút rồi cũng chỉ đen tối trong một phút.

Đã có bao nhiêu huyền thoại xây trên sự đổ vỡ và cái hèn mọn nhất của con người. Cũng nên nhắc lại nhân dịp nhắc đến “huyền thoại” này “huyền thoại” kia… trong 7, 8 năm làm Ngoại trưởng thì giáo sư Vũ Văn Mẫu cũng là một huyền thoại. Mẫu vì được Diệm kính nể, cho nên mọi người cũng kính nể, có khi đến độ ” thần thánh” nhà trí thức đại khoa bảng này.

Giáo sư Mẫu là một luật gia uyên thâm (Thạc sĩ Tư pháp, giáo sư thực thụ của Đại học Luật khoa Sài Gòn). Sự ăn nói mạch lạc và cách đi đứng đường hoàng của ông đã dễ dàng thu hút được cảm tình và sự kính nể của Diệm. Nhưng ông Diệm “vỡ mộng” đau điếng khi ông Mẫu “xuống tóc”, cho đến lúc sau này Diệm vẫn biện minh cho lòng kính nể ông Mẫu “Ngài đàng hoàng đấy, nhưng phải làm thế cũng chỉ vì Ngài nể bà Ngoại trưởng ” (ông Mẫu là người thứ hai sau ông Thơ được ông Diệm gọi là Ngài). Số là, giới cận thần tại dinh Gia Long và Bộ Ngoại giao lúc bấy giờ cho biết: ông Ngoại trưởng rất “vị nể” phu nhân do bà đau yếu luôn luôn và bị mất một lá phổi. Phu nhân cũng như gia đình Ngoại trưởng rất mộ đạo Phật. Thế nhưng trong vụ Phật giáo trước tháng 8, Ngoại trưởng rất im lặng, không hề tỏ một thái độ nào có thể bất lợi cho vị Tổng thống và chế độ mà ông phục vụ.

Buổi sáng ngày 20-8, Ngoại trưởng Mẫu còn hướng dẫn tân Đại sứ Anh đến trình ủy nhiệm thư tại dinh Gia Long. Ông đã bày tỏ thái độ hoàn toàn đồng ý với Chính phủ. Song buổi chiều ngày 21-8 đột nhiên ông Ngoại trưởng lại xuống tóc phản đối. Đó là một hành động đẹp theo tinh thẩn kẻ sĩ Phương Đông. Nhưng dư luận cho rằng ông phải làm thế vì phu nhân làm áp lực dữ dội quá. Sau này, ông Nguyễn Đình Thuần thuật lại: “Nếu ông ấy xuống tóc và xin đi hành hương, nhưng đừng làmcái việc cố vận động chạy chọt để đổi thật nhiều dollars, ba bốn ngàn gì đó thì cũng còn coi được”.ông Thuần mà phê bình giáo sư Mẫu thì kể cũng hơi lạ (Theo dư luận tại Viện Hối đoái thì phủ Tổng thống chỉ thị viện này để giáo sư cựu Ngoại trưởng được đổi 5.000 dollars). Vì tiếng súng đảo chính bùng nổ, ông Thuần tuy với tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phụ tá Quốc phòng kiêm Bộ trưởng phủ Tổng thống) song lại chuồn leï nhất, đến nỗi trong dinh không còn biết ông ở đâu để liên lạc.

Cháy nhà ra mặt chuột

Đêm mùng 1-2, ông Thuần và ông Nguyễn Lương là hai Bộ trưởng đến trình diện tại Hội đồng Quân nhân cách mạng sớm nhất. Một vị tướng nói” Cháy nhà mới ra mặt chuột. Chế độ ông Diệm sụp đổ cũng chỉ vì có những Bộ trưởng như vậy. Khi đến trình diện thì rụt rè, khúm núm quá chả bù với khi còn thét ra lửa”.

Nhờ sự đầu hàng sớm như vậy, cũng như sự rụt rè khúm núm, sợ hãi Thuần và Lương được quân đảo chính cho về nhà thong dong. Ít lâu sau Thuần qua Pháp, vì vợ con đã ở sẵn bên đó. Còn Nguyễn Lương được thong dong đến một năm sau, thời tướng Khánh, ông bị bắt vì tội tham gia đảng Cần lao. Thật là số mệnh an bài…trước đó thì chả sao. ông Nguyễn Lương được đưa vào khám Chí.Hoà hôm trước, thì hôm sau ông bị đưa lên xe ra máy bay trục ra Côn Đảo.

Cái gai cần nhổ

Chính phủ Nguyễn Khánh kết tội Nguyễn Lương là nhân vật cao cấp của Đảng Cần lao quả là bóp méo sự thật. Ông Lương thuộc hàng quan lại lớp cũ. Năm 1955, ông đã lên đến ngạch Chưởng lý toà Thượng thẩm. Khi giáo sư Vũ Quốc Thông giữ Bộ Y tế và Xã hội thì ông Nguyễn Lương làm Tổng Giám đốc Xã hội (Viên Chánh văn phòng của ông là Hoàng Thế Phiệt sau trở thành Nghị sĩ của Thượng viện Đệ II Cộng hoà) – Khi Nha Tổng Giám đốc Xã hội tách khỏi Bộ Y tế và trực thuộc Phủ Tổng thống thì đây là dịp ông Lương được gần Tổng thống Diệm.

Nhờ tài ăn nói lưu loát và am tường luật pháp, ông Lương rất được Tổng thống Diệm tín nhiệm. Đứng trước Tổng thống Diệm, Lương luôn luôn chấp tay cung kính… Rồi trở thành Cố vấn luật pháp của Tổng thống và sau được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn công chức cách mạng quốc gia.

Cái chết của Ngô Đình Diệm mang theo sự sụp đổ của chế độ Đệ nhất Cộng hoà, đồng thời tố cáo luôn bộ mặt thật của một số thư lại. Chính họ đã góp công lật đổ chế độ. Những viên đạn nổ vào đầu Ngô Đình Diệm chỉ là kết quả của bao nhiêu mâu thuẫn nội bộ sự phân hoá hàng ngũ quốc gia, đồng thời cũng là kết quả của cuộc hôn nhân miễn cưỡng giữa Mỹ và Sài Gòn, hơn nữa là sự “thọc gậy bánh xe” của Pháp…

Năm 1963 con số cố vấn Mỹ tại miền Nam đã lên tới 14.000 người, đồng thời tại Bộ Ngoại giao Mỹ thành lập một Uỷ ban nghiên cứu hỗn hợp về sự sử dụng “sức mạnh” của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, Uỷ ban ấy mang một danh từ thật đẹp “Việt Nam Task Force” mà người đứng đầu là Hilsman. Vấn đề chủ quyền quốc gia đối với ông Diệm đã trở thành đầu mối cho tấn thảm kịch Việt – Mỹ. Nếu Hilsman đặc trách Á châu sự vụ, có phận sự nghiên cứu những phương thức Mỹ nhằm tiêu diệt những người yêu nước tại miền Nam Việt Nam, thì song hành với công việc này Hilsman cũng đã “sửa soạn” theo kỹ thuật của Mỹ để “hạ” một Tổng thống cứng đầu thân Pháp như ông Ngô Đình Diệm. Lu Conein cũng như Smith và Hilsman, Fisthel nghĩa là cả guồng máy CIA đã góp công vào việc sửa soạn cuộc lật đổ này.


  1. Chỉ người đứng đầu cơ quan.