Chương 29: “Je reste neutre” – Tôi trung lập

Cùng đi với ông Xuân, như trên đã viết, có Đại tá Dương Ngọc Lắm, Đại uý Nguyễn Văn Nhung (sĩ quan tổng hợp và tuỳ viên của tướng Dương Văn Minh từ năm 1955), Đại uý Phan Hoà Hiệp, Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa. Xét về khía cạnh “bất mãn” đối với chế độ của Tổng thống Diệm, thì tướng Minh không có gì gọi là “bất mãn”… Nhưng sau cuộc đảo chính hụt 11-11-1960, tướng Minh không còn được chế độ tín nhiệm như xưa. Có lẽ bắt nguồn từ thái độ của ông đối với cuộc đảo chính đó ông tuyên bố với báo chí ngoại quốc “Je reste neutre (Tôi trung lập. Báo J.E.O ngày 13-11-1960). Cho dù vậy hành động của tướng Minh đối với anh em Tổng thống Diệm thật là khó hiểu. Nhưng tướng Xuân thì sự bất mãn có vẻ sâu xa hơn. Kể từ khi ông mất chức Giám đốc nha An nính quân đội ông Xuân vẫn cho rằng mình có công với chế độ trong vụ đánh dẹp Bình Xuyên, và chiến dịch bình định tại miền Đông Nam phần. Tuy không xuất thân từ một trường võ bị nào, ông Xuân chỉ là một công chức cao cấp trong ngành Mật thám liên bang (Surete – fédérale) sau được đồng hoá vào ngành an ninh quân đội với cấp bậc Đại tá. Tuy nhiên khi mất chức Giám đốc, ông vẫn được Tổng thống Diệm cho giữ chức chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện Quang Trung cho đến ngày đảo chính. Trong ngành cảnh sát, tướng Xuân vẫn còn một số cộng sự viên cũ, thuộc giới già đã phục vụ trong ngành Mật thám liên bang đã lâu năm. Còn vài lý do “tế nhị” khác đã khiến tướng Xuân hăng hái nhất trong việc tình nguyện đi đón anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Một số binh sĩ thiết giáp thấy ông Diệm, ông Nhu giằng co với hai sĩ quan vội nhảy ra khỏi xe và tiến lên bực thềm nhà thờ với những khẩu carbine đã lên đạn mũi súng chĩa thẳng về phía hai ông Diệm Nhu.

Tuỳ viên Đỗ Thọ toan nhảy tới trước đám quân nhân thiết giáp, ông muốn làm một hành động, nhưng rồi ông chùn bước. Đỗ Thọ biết rằng trong khung cảnh đằng đằng sát khí này, bất cứ một hành động chống đối nhỏ nhoi nào của ông cũng có thể mất mạng như chơi. Ông Diệm ông Nhu uy quyền như vậy mà đành chịu bất lực thì ông làm sao chống chọi được.

Sau khi trả lại khẩu rouleau ngắn này vào bao da, viên sĩ quan toan bắn nhìn ông Nhu ông Diệm gằn giọng:

– Chúng tôi mời quý vị lên xe. Giờ này, nơi đây không còn ai là Tổng thống và Cố vấn nữa. Nếu quý vị từ chối, chúng tôi buộc lòng phải áp dụng những biện pháp cứng rắn.

Nói xong viên sĩ quan này đẩy nhẹ ông Diệm xuống sân nhà thờ. Ông Nhu bây giờ lại tỏ vẻ quyết liệt, ông xô đẩy viên sĩ quan và quát:

– Không được vô lễ với Tổng thống.

Biết tình thế không thể nào thay đổi được, ông Diệm nắm lấy vai áo ông Nhu:

– Thôi chú! Mình đi hè!

Ông chưa nói hết câu thì viên sĩ quan thứ hai đã đẩy mạnh ông Nhu xuống trước. Tổng thống Diệm bước theo, tuỳ viên Đỗ Thọ và cha xứ đi theo hai người. Cửa chiếc thiết vận xa M113 được mở ra, bên trong nồi chảo và hành lý cá nhân của các chiến binh thiết giáp ngổn ngang. Khung cảnh chẳng có gì đã được thu dọn để đón vị Tổng thống. Rõ ràng đây là một cuộc ”áp giải” một cách đột ngột thiếu chuẩn bị.

Ông Diệm và ông Nhu chùn bước. Cá hai đều hiểu rằng với một sự đón rước cứng rắn như vậy, hy vọng được đưa ra ngoại quốc của hai ông hết sức mong manh.

Đối với các tướng lãnh, uy quyền của hai ông chắc các ông cũng đã hiểu. Hiểu như vậy thì đã quá muộn. Trên mặt thềm của ngôi nhà thờ buồn tẻ này, người ta thấy khuôn mặt của tuỳ viên Đỗ Thọ rất thảm thương. Có lẽ ông đã hình dung được số phận sẽ dành cả cho hai anh em ông Diệm, Nhu. Trong giờ phút nặng nề này, chỉ có ông Diệm là còn giữ được sự bình tĩnh cần thiết, nên đã không một phản ứng nào mặc cho sự đưa đẩy của số phận.

Còn ông Nhu trông gương mặc hốc hác tiều tuỵ của một đêm thúc trắng, đôi mắt ông long lên cơn giận khi thấy đám đông dân chúng đằng xa đang chỉ trỏ về phía mình. Như một con hổ sa cơ, ông muốn trút sự nóng giận cho bất kỳ một người nào, nhưng cuối cùng ông dằn được.

BƯỚC CHÂN CUỐI CÙNG

Khi ấy chiếc xe M113 đã nổ máy quay đầu ra phía cổng.

Thiếu tá Nghĩa thì chạy lăng xăng. Đài uý Nhung hai tay chống nạng, mặt mày rất hung dữ, và thốt ra nhiều lời lỗ mãng tục tằn. Một sĩ quan khác cũng có mặt tại đây, và ông Nhu cũng đã từng biết mặt biết tên. Viên sĩ quan này là Đại uý Hiệp. Đại uý Hiệp cũng như Nhung đã thốt ra những lời lỗ mãng nặng nề. Tổng thống Diệm vẫn làm ngơ, song ổng Nhu quay lại quắc mắt mắng Hiệp “Không được ăn nói và xử sự như vậy với Tổng thống”.

Như cố ý lánh mặt, tướng Xuân vẫn ngồi ngoài xe đậu phía bên kia đường. Thiếu tá Nghĩa đã hộ tống anh em Tổng thống Diệm đến tận cửa chiếc M113. Ông Nhu vẫn giằng co “Các anh để Tổng thống đi xe nào? Sao lại đi xe này? Sao lại có thể thế này?”. Một Đại uý đẩy ông Nhu xô vào phía cửa sau.

Ông Nhu lảo đảo rồi đứng khựng lại. Ông lớn tiếng nặng lời với mấy sĩ quan đứng chung quanh ông và Tổng thống Diệm. Theo ông già Khá Tổng thống Diệm vẫn có vẻ từ tốn.

Trong nhật ký Đỗ Thọ có ghi lại như sau: “Họ đẩy mạnh ông Nhu xuồng thềm nhà thờ. Tổng thống Ngô Đình Diệm, tôi và cha Jean theo sau. Trong khi đó trục máy của chiếc M113 buông thả cửa xe. Lính đảo chính áp dụng cứng rắn đẩy ông Nhu lên xe, ông Nhu cự nự quay lại nửa người và đưa Tổng thống Diệm lên trước. Tôi chạy đến đưa chiếc cặp đa, chiếc ba tong cho Tổng thống. Nhưng Đại úy Nhung đã giật những món hàng này. Đồng thời họ không cho tôi được phép đến gần Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi đứng lại nhìn cửa sau chiếc M113 đóng lại. Tôi không thể ngờ đó là nơi an nghỉ cuối cùng của Tổng thống Diệm trong quan tài bọc sắt. Tôi len xe GMC về Bộ Tổng Tham mưu”. (Nhật ký Đỗ Thọ trang 267).

Trên lộ trình về Bộ Tổng Tham mưu đột nhiên đến chỗ chắn xe lửa đường Hồng thập tự thì đoàn áp tải dừng lại. Báo Công Luận số 882 ra ngày 26- 11-70 đã ghi lại:

“Giờ phút kết liễu cuộc đời của hai ông Diệm, Nhu xảy ra lúc đoàn “công voa” về đến cổng xe lửa đường Hồng Thập Tự. Đoàn công voa vừa tiến đến đây thì gặp lúc có một chiếc xe lửa chạy qua nên phải dừng lại.

Đại tá Lắm ngồi với Thiếu tướng Mai Hữu Xuân trong một chiếc xe Jeep chạy giữa đoàn, thấy đoàn xe bất thần ngừng lại, ông không biết chuyện gì nên đã hét vào máy truyền tin:

– Ai cho các anh ngừng lại? ”

Tiếng quân nhân trên chiếc xe thiết giáp đi đầu trả lời:

– Thưa Đại tá, kẹt xe lửa. Có một chuyến xe lửa sắp chạy qua, cổng rào đã kéo xuống.

Đại tá Lắm “à ” một tiếng rồi tiếp tục nói chuyện với Thiếu tướng Xuân. Chừng vài phút sau, giữa tiếng chuyển động ầm ầm của chuyến xe lửa chạy qua ông mơ hồ nghe có nhiều tiếng súng nổ, nhưng hỏi phía trước không có một báo cáo nào cho ông biết có chuyện gì bất ngờ xảy ra.

Những tiếng súng nổ khô khan chen lẫn với tiếng động cơ ầm ĩ của chuyến xe lửa đi qua, đó là tiếng súng của Đại uý Nhung. Trong không khí nặng nề của đoàn “công voa” rước ông Diệm ông Nhu từ nhà thờ Cha Tam về Bộ Tồng Tham mưu, thừa cơ hội chiếc thiết vận xa chở ông Diệm ông Nhu dừng lại, Đại uý Nhung đã bất thần từ chiếc xe Jeep nhảy qua chiếc thiết vận xa. Khẩu rouleau ngắn nòng được rút ra khỏi vỏ và ông nhả đạn, sau đó dùng dao kết liễu cuộc đời hai ông Diệm, Nhu.

Hai nhân vật đầu não của chế độ nằm xuống. Vĩnh viễn nằm xuống, không có một phản ứng nhỏ nhoi nào. Cái chết này rất ít người được biết rõ ràng và chứng kiến.

Chính Đại tá Lắm, người chỉ huy trực tiếp đoàn “công voa ” lúc bấy giờ không hay biết. Sau này, Đại tá Lắm đã nói với chúng tôi là ông không thể ngờ một việc như vậy đã xảy ra.

Sau khi chuyến xe lửa đã đi qua, đoàn công voa vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Đại tá Lắm lúc đó vẫn tin tưởng mọi việc được bình thường, là không có điều gì xảy ra. Cho đến khi đoàn xe về tới Bộ Tổng Tham mưu, chiếc thiết vận xa M113 chở Tổng thống Diệm và ông Cố vấn Nhu đột nhiên tách khỏi đoàn và chạy qua sân vận động quân đội “.